Tổng quan về tỉnh Trà Vinh

Diện tích: 2.391 km2 

Dân số: 1.019.258 người

Phân chia hành chính: có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 106 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 11 phường, 10 thị trấn và 85 xã. 

Vị trí địa lý: tiếp giáp về phía Bắc với tỉnh Bến Tre và được ngăn cách bởi sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền), phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng qua ranh giới sông Hậu, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông là biển Đông. Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển.

Đường bộ: có 4 tuyến Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60, kết nối tỉnh Trà Vinh thông suốt với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130 km theo hướng Quốc lộ 60 và cách thành phố Cần Thơ khoảng 90 km theo hướng Quốc lộ 53).

100% các tuyến tỉnh lộ, hương lộ đều được nhựa hóa. Hệ thống hơn 200 cầu toàn tỉnh, trên 65% cầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tốt, đảm bảo lưu thông 2 làn xe

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tỉnh Trà Vinh được đầu tư xây dựng 02 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT.33) và Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT.36); đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển với quy mô cấp III - ĐB; mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, xây dựng hoàn thành cầu Đại Ngãi theo tiến độ và quốc lộ 60 đoạn nối với cầu Cổ Chiên - cầu Đại Ngãi.

Đường thủy: có bờ biển dài trên 65 km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cổ Chiên (Cung Hầu) và Định An thuận lợi phát triển giao thông đường thủy. Hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh có 1 luồng tàu biểu trọng tải lớn sông Hậu, 2 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 21 tuyến vận tải thủy nội địa, 3 cảng biển (cảng Duyên Hải, Trà Cú và Định An), 2 cảng thủy nội địa, 6 bến thủy nội địa.

Đất đai: tính đến hết năm 2022, diện tích tự nhiên toàn tỉnh Trà Vinh là 239.077 ha. Trong đó đất nông nghiệp 141.158 ha (chiếm 59,04%), đất lâm nghiệp 7.160 ha (chiếm 2,99%), đất chuyên dùng 14.597 ha (chiếm 6,11%), đất ở 6.050 ha (chiếm 2,53%).

Khí hậu: Tỉnh Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nóng ẩm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, gió thịnh hành là gió mùa Tây Nam và gây nên mưa lớn; và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, gió thịnh hành phổ biến trong thời kỳ này là gió mùa Đông Bắc.

Dân tộc: Cộng đồng dân cư tỉnh Trà Vinh được hình thành và phát triển trong lịch sử bằng sự hoà hợp, sống gần gũi bên nhau của các tộc người Kinh, Khmer, Hoa, Thái, Nùng, Mường, Dao… Trong đó, người Việt có tỷ lệ cao nhất (trên  67%), người Khmer chiếm 32%, là tỉnh có người Khmer sinh sống đông thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, còn có người Hoa và một số đồng bào khác như Chăm, Dao…chiếm tổng số gần 1%.

Tôn giáo, tín ngưỡng ở Trà Vinh cũng có sự phong phú, đa dạng. Riêng đối với người Khmer, hiện còn bảo lưu nhiều nghi thức cúng kiếng, có sự chi phối đến đời sống tinh thần của người Khmer nơi đây như các nghi lễ về nông nghiệp có lễ tết vào năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông, bà (Sene Đôl-ta); lễ hội Ok-Om-Bok (lễ cúng trăng) … Đặc biệt, Trà Vinh có 142 trên tổng số 600 ngôi chùa Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được trải khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, còn có nhiều chùa người Kinh, người Hoa có giá trị lớn đối với ngành du lịch.

Di sản văn hóa, lịch sử: Trà Vinh có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lịch sử cách mạng gắn liền với các dân tộc, tôn giáo, lịch sử, danh thắng và kiến trúc nghệ thuật. Tính đến tháng 12 năm 2020, có 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 75 di tích dự kiến đề nghị xếp hạng. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có khu di tích khảo cổ Lưu Cừ II - khu di tích văn hóa Óc Eo, cho thấy nền văn hóa lâu đời đã được hình thành nơi đây.

Theo kết quả tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh  (đến ngày 26/3/2021), hiện tỉnh có 24 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có 05 di sản; loại hình lễ hội truyền thống có 10 di sản; loại hình nghề truyền thống thủ công có 08 di sản; loại hình ẩm thực truyền thống có 01 di sản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm có 5 di sản: Nghệ thuật Chằm riêng Chà pây của người Khmer tỉnh Trà Vinh; Lễ hội cúng biển Mỹ Long tỉnh Trà Vinh; Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Trà Vinh; Nghệ thuật Rô Băm của người Khmer tỉnh Trà Vinh và Đờn ca tài tử Nam bộ.