Trà Vinh: Họp mặt 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê
Lượt xem: 2700
Chiều ngày 25/10, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức buổi họp mặt các văn, nghệ sĩ, nghệ nhân người Khmer nhân 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam bộ. Ông Kim Ngọc Thái – phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Văn Hẳn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đến dự.

Ông Lê Văn Hẳn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp mặt 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê hình thành và phát triển

Tại buổi họp mặt, các đại biểu cùng nhau ôn lại chặng đường 100 năm hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer ở Trà Vinh nói riêng và Nam bộ nói chung. Nhất là từ khi chính thức được công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam, cũng như kể từ khi được được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. 
 
Các đại biểu cũng cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do sự thay đổi của nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, sức hấp dẫn của phương tiện nghe nhìn nên nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của tỉnh thì nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ ở tỉnh Trà Vinh đã được duy trì và ngày càng phát triển. 

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Lê Văn Hẳn – phó Bí thư Tỉnh ủy, phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: cách đây 100 năm, nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời là do nhu cầu cảm thụ nghệ thuật Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu của thế kỷ XX, khi mà nghệ thuật sâu khấu múa Rô-Băm, tuồng tích và cách diễn xuất của nó không còn đáp ứng theo nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer. Nghệ thuật sân khấu dù kê còn là kết quả của việc yêu lao động, yêu nghệ thuật dân tộc và yêu ca hát dân ca của người Khmer tạo thành. Riêng ở Trà Vinh, nhất là ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống thì nghệ thuật này khá phổ biến trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.

Để giữ gìn và phát huy hơn nữa loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hẳn đề nghị cần tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật sân khấu dù kê xứng tầm với các loại hình nghệ thuật tiên tiến khác. Thường xuyên mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ có năng khiếu, đảm bảo có tính kế thừa không để bị mai một. Tiếp tục xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân, thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để các văn nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ có điều kiện tham gia nâng cao tay nghề. Không ngừng bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật của sân khấu dù kê có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị Bộ văn hóa đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp tục sưu tầm và nâng cao chất lượng nghệ thuật, nhất là đối với các chương trình kịch mục, vở diễn nhằm đáp ứng thị hiếu người xem, phù hợp với nhu cầu thực tế hội nhập hiện nay.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hẳn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc

Dịp này, có 03 tập thể và 06 cá nhân có thành tích trong việc phát triển loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh./.

Kim Trà