Hội nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 5223
Ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Trà Vinh, ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự. 

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch, là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn cả nước.

Quan điểm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là: Phát triển quốc gia như một thể thống nhất. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển theo hướng bền vững. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia. Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu tổng quát là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong định hướng tổ chức không gian phát triển đất nước dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực. Hành lang kinh tế Bắc – Nam phía Đông gắn với cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang kinh tế Bắc – Nam phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang. Đồng thời, phát triển các hành lang kinh tế Đông – Tây chính như: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; Mộc Bài – TP.HCM – Vũng Tàu.

Phát triển 4 vùng kinh tế động lực: Tam giác động lực phía Bắc Hà Nội- Hải Phòng – Quảng Ninh; Tứ giác động lực phía Nam TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu; vùng động lực miền Trung khu vực ven biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang là vùng động lực ĐBSCL.

Đối với quy hoạch tỉnh, hiện đã có 01 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang) đã được phê duyệt; 03 quy hoạch tỉnh đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; 03 quy hoạch tỉnh đã hoàn thành lập, trình thẩm định; các tỉnh còn lại đang triển khai thực hiện. Với quy hoạch tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh đã lấy ý kiến quy hoạch. Trong quý I/2022 sẽ tiến hành trình thẩm định, dự kiến sẽ hoàn thành phê duyệt trong quý II/2022.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tâm huyết, thiết thực tại hội nghị. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn chưa đạt như kế hoạch đề ra và chất lượng chưa được như mong muốn. Đồng thời Thủ tướng cũng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, có tính khả thi và phát huy được tiềm năng, tính khác biệt, cơ hội lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực, khu vực, địa phương. Từ đó, tháo gỡ những rào cản, hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực, khu vực.

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương trong lập quy hoạch phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến đóng góp nhiều chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch trong quy hoạch. Nghiên cứu thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực.

P.A