Lễ hội Nghinh Ông - nét văn hóa độc đáo của cư dân Mỹ Long
Lượt xem: 29398
Gắn cuộc đời mình cùng những rủi may trên sóng nước biển khơi nên ngư dân Mỹ Long luôn có niềm tin mạnh mẽ vào các vị phúc thần, trong đó có tín ngưỡng thờ cá ông (cá voi) mà mọi ngư dân đều kính trọng gọi là đức Ông Nam Hải. Lễ hội Nghinh Ông ở Mỹ Long ra đời là nhằm thỏa mãn tín ngưỡng ấy và ngày nay, lễ hội này trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của tỉnh Trà Vinh.

Miễu Bà Chúa Xứ - Nơi diễn ra lễ hội Cúng biển Mỹ Long hàng năm

Lễ hội Nghinh Ông mà dân gian vẫn quen gọi là Cúng biển Mỹ Long đã hình thành trên 100 năm qua, là lễ hội có truyền thống lâu dài, được tổ chức liên tục và trở thành một trong những lễ hội biển qui mô lớn nhất khu vực ĐBSCL, thu hút hàng chục ngàn người trong khu vực tham dự. Lễ hội cúng biển Mỹ Long diễn ra tại miễu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Mỹ Long vào các ngày từ mùng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là ngôi miễu được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX với kiến trúc rộng rãi, thoáng mát đủ để đón khách thập phương. Trong không gian của ngôi miễu được phối thờ nhiều vị như: Bà Chúa Xứ, Thượng Động nương nương (Bà Cố Hỉ), Hạ Động nương nương (Bà Thủy), cùng với đó là thờ linh vị đức Ông Nam Hải, Thần nông, các vị tiền hiền, hậu hiền... nên trong ba ngày diễn ra lễ hội là chuỗi các nghi thức tế lễ quan trọng như: lễ Nghinh Ông Nam Hải, lễ Tiền chức, lễ tế Thần Nông và Chiến sĩ trận vong, lễ Chánh tế Chúa Xứ, lễ Dâng mâm lộc, lễ Cầu an, lễ Nghinh ngũ phương; lễ Tống quái (tống tàu), lễ Tống chung và bế mạc... Vì vậy, nói đến lễ hội Cúng biển Mỹ Long là nói đến chuỗi các nghi thức tế lễ độc đáo gắn liền với lịch sử vùng đất, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương và là điểm tựa tinh thần được rất đông khách thập phương hưởng ứng. Mặc dù có nhiều nghi lễ khác nhau nhưng điểm chung là nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho con người có được cuộc sống an lành, vụ mùa bội thu trong năm qua và cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến trong năm sau. Lễ hội Cúng biển Mỹ Long cũng là nơi vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm, trao truyền đạo lý; thời gian để những người con làm ăn phương xa nhớ ngày mà quay về nơi cha đất tổ.

Trong số nhiều nghi thức tế lễ trên thì có hai nghi lễ liên quan trực tiếp đến ngư dân, biển cả và Ông Nam Hải. Đó là lễ nghinh Nam Hải và lễ Tống quái, đây cũng là điểm nhấn của lễ hội. Do trước đây, phần lớn người dân Mỹ Long sống gắn liền với biển nên hai nghi lễ này thể hiện khát vọng trong tín ngưỡng của người làm nghề hạ bạc lại mang giá trị nhân văn thế nên được cộng đồng dân cư toàn vùng Mỹ Long cũng như khách thập phương hưởng ứng đông nhất, tạo nên sự rộn ràng cho lễ hội. 

Lễ nghinh Nam Hải trong lễ hội Cúng biển Mỹ Long

Lễ Nghinh Nam Hải tức là đón “Quốc Gia Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần” diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch. Sau khi tế lễ Bà Chúa Xứ xong, đoàn nghinh Ông bày hương áng, lễ vật trên một chiếc kiệu nhỏ xuất phát khỏi miễu bà, đi một vòng khu vực chợ Mỹ Long. Đi đầu là đoàn lân mở đường, theo sau là ông bồi bái chỉnh tề trong trang phục áo dài khăn đóng đi trước kiệu. Các vị chức việc trong hội miễu, những vị bô lão, nam thanh nữ tú theo sau tạo thành đoàn rước hàng ngàn người đông vui. Tiếng chiêng, trống của đoàn nghinh Ông mỗi lúc một giục giã hơn. Có lẽ cả thị trấn Mỹ Long này mỗi năm một lần, người dân chờ được thấy cảnh nghinh Ông nên người người ra tận cửa đón đoàn nghinh đi qua. 

Ra đến bến tàu (cách thị trấn Mỹ Long khoảng 3km), kiệu ông được khiêng lên chiếc tàu đánh cá, đây là tàu tốt nhất trong mùa đi biển vừa qua được chọn để ra khơi nghinh đức Ông Nam Hải về chứng giám. Chiếc tàu chở kiệu ông hướng mũi về phía cửa biển mà tăng tốc, hơn chục chiếc khác theo sau hộ tống với cờ, lộng sặc sỡ sắc màu. Trên đường đi nghinh, vị bồi bái và những người trong đoàn liên tục khấn vái đức Ông. Tiếng trống lân của đoàn nghinh thúc liên hồi tạo nên âm thanh sôi động trên mặt biển. Ra khỏi cửa khoảng 2 hải lý, ông bồi bái chỉnh tề đứng trước kiệu ông khấn vái và gieo quẻ xin keo. Ngày trước, đoàn nghinh phải chạy trên biển đến khi nào gặp cá ông vọi ba vòi nước lên trời thì xem như đức Ông thuận. Ngày nay, cá ông rất hiếm, chẳng thể gặp trên biển nên người dân thay hình thức này bằng việc gieo quẻ xin keo, khi keo thuận thì xem như đức Ông thuận. Vậy là được, cả đoàn reo hò tở mở, đoàn nghinh làm lễ tạ ơn rồi quay mũi tàu trở về. Lúc về cũng như lúc đi, cũng cờ giong trống giục người người, nhà nhà ra tận cửa cung nghinh. Khi đưa linh vị đức Ông ngự trên án thờ bên cạnh án thờ Bà Chúa Xứ trong chánh điện ngôi miễu, vị bồi bái cung kính tuyên bố với mọi người lễ hội chính thức bắt đầu.

Lễ Tống quái hay còn gọi Tống tàu là lễ cuối cùng của lễ hội diễn ra vào lúc 11 giờ ngày 12 tháng 5 âm lịch. Vào lễ, các vị hương chức tiến hành nghi thức tế lễ trước hương áng thờ Bà Chúa Xứ. Trong khoảng thời gian các vị chủ tế thực hiện các nghi thức, nhiều bà con mang phẩm vật đến gửi vào tàu cúng biển cả như muối, gạo, trái cây, tiền… đồng thời khấn vái, cầu nguyện. Nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu con heo trắng “toàn sinh toàn sắc”. Nghi lễ thực hiện xong, đúng 11 giờ thì tiến hành di chuyển tàu rời miễu. Đoàn đi cũng có lân, nhạc, trống, chiêng, các vị hương chức, các hầu bóng, ba vị chức việc hóa trang thành Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, đông đảo người dân địa phương cùng du khách tạo thành đoàn đưa hàng ngàn người. Từ miếu, đoàn đi vòng qua chợ Mỹ Long rồi đến bến Vàm Lầu cách thị trấn Mỹ Long hơn 3 km. Đến bến Vàm Lầu, tàu chở vật cúng được hạ thủy trong tiếng vỗ tay đưa tiễn và được một thuyền đánh cá khởi hành kéo ra cửa biển cách đó khoảng 5km. Đoàn tống tàu hơn trăm chiếc thi nhau tiến ra cửa biển. Tiếng máy nổ hòa trong tiếng trống chiêng, vang rền tạo nên bầu không khí náo nhiệt. Những du khách thích náo nhiệt, muốn chứng kiến cảnh tống tàu thì được các chủ tàu cá ở Mỹ Long mời lên không phân biệt quen hay lạ miễn có lòng thành chia sẻ niềm vui với mọi người là được. Đến vị trí tống tàu, các tàu theo sau trong đoàn tống dừng lại một cách trật tự. Một khoảng lặng thành kính diễn ra mặt trên biển: dứt trống, ngưng chiêng, tất cả tàu tắt máy thả trôi... Vị chủ tế khăn áo chỉnh tề đứng trước bàn hương án châm ba tuần rượu, một tuần trà lạy và khấn Đại Càn Quốc Gia Nam Hải rồi ra hiệu lệnh tháo dây tống tàu. Vác vị hương quan, phụ tế thì cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp. Đoàn tống tàu vội vã quay đầu thi nhau chạy về đất liền để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt vào ngày mai. 

Lễ Tống tàu trong lễ hội Cúng biển Mỹ Long

Chính sự thành kính của việc thực hiện các nghi lễ, sự rộn ràng và hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục ngàn người tham gia cũng cho chúng ta thấy lễ hội Cúng biển Mỹ Long có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân toàn vùng. 

Ngoài phần lễ, còn có những hoạt động của phần hội như múa Bóng rỗi - Địa Nàng, múa lân sư rồng (trước đây có hát bội, cải lương) cùng các hoạt động thể thao, hội chợ triển lãm thương mại để phục vụ du khách. Chính sự kết hợp chặt chẽ giữa phần lễ và phần hội, lễ hội Cúng biển Mỹ Long được xem là một trong những lễ hội dân gian truyền thống quan trọng và tiêu biểu của cư dân người Việt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Với những giá trị nhân văn sâu sắc đó, năm 2013, lễ hội Cúng biển Mỹ Long được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khi có sự kết hợp của Ban quản trị miễu với UBND thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các ban ngành có liên quan thì lễ hội được tổ chức qui củ, chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn trật tự cho mọi người tham dự. Hàng năm, trước khi lễ hội diễn ra đều có tổ chức lễ khai mạc trọng thể với sự tham dự của đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành tỉnh, huyện. 

Theo thống kê sơ bộ của ngành VH-TT&DL thì mỗi năm số lượng du khách tham dự lễ hội càng tăng với hơn chục ngàn người đến từ các tỉnh thành từ Bà Rịa- Vũng Tàu trở vào. Nhận thấy lễ hội có sự thu hút to lớn, năm 2020, Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cùng UBND huyện Cầu Ngang  tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch” nhằm tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng giá trị di sản văn hóa lễ hội Cúng biển Mỹ Long gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển, tạo cơ hội để địa phương quảng bá và nâng tầm thương hiệu du lịch. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái từ các dãy cồn ven biển kết hợp với du lịch tâm linh của lễ hội Cúng biển Mỹ Long hứa hẹn sẽ xây dựng nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần làm mới diện mạo văn hóa du lịch tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lễ hội Cúng biển Mỹ Long năm 2021 dừng các hoạt động vui chơi giải trí, lễ tế có sự  tập trung đông người. Ban quản trị hội miễu chỉ thực hiện những nghi thức chính của phần lễ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh./.

Nguyễn Văn Chót