Di tích Đình Minh Thuận
Lượt xem: 4796
DI TÍCH ĐÌNH MINH THUẬN

Tọa lạc ở số 43 đường Đề Triệu, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đình Minh Thuận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Hiện tại, chưa tìm tư liệu xác định chính xác ngôi đình được tạo dựng thời gian nào. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đặc điểm lịch sử xã hội, việc hình thành làng xã của vùng đất Trà Vinh, qua đối chiếu với các làng xã trong vùng phụ cận có tạo dựng đình làng thì có thể khẳng định đình Minh Thuận được tạo dựng vào những thập niên 20 - 30 dưới thời Minh Mạng. Giai đoạn nhiều đình ở Nam bộ được xây dựng cùng với quá trình lập làng.

Qua thời gian, ngôi đình được sửa chữa nhiều lần. Theo lời kể của những vị cao niên thì đình Minh Thuận được xây dựng quy mô, bề thế có kiểu dáng kiến trúc như hiện nay là vào thập niên 20 thế kỷ XX.

Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân nhiều làng ở Trà Vinh đã tích cực tham gia kháng chiến trong đó có nhân dân Bình Trị Thượng. Tiêu biểu là hưởng ứng phong trào khởi nghĩa của Trần Văn Đề (Đề Triệu) dấy binh khởi nghĩa tại rừng Mương Khai thuộc làng Long Hậu vào năm 1867. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan khắp địa bàn và được sự ủng hộ của nhân dân trong đó có bà con trong hội đình Minh Thuận.

Bước sang đầu thế kỷ XX, khi phong trào Thiên Địa hội phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Bình Trị Thượng đình Minh Thuận là địa điểm thường xuyên hội họp của tổ chức này. Thông qua lễ hội hạ điền (15, 16/ 2 âm lịch), thượng điền (15, 16/ 8 âm lịch) hàng năm, các hoạt động mang tính chất yêu được khởi xướng tại đình, đã tập họp và hình thành một lực lượng quần chúng yêu nước đông đảo, có tổ chức.

Năm 1921, chấp hành sự phân công của tổ chức Công hội đỏ Nam kỳ, nhà cách mạng Dương Quang Đông về Trà Vinh chọn vùng Minh Thuận, Mỹ Cẩm, Cẩm Hương để vận động thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng thành lập các tổ chức cơ sở, tổ chức đấu tranh đòi giảm tô, chống gian lận đo công cấy, công gặt đã thu hút nhiều quần chúng tham gia trong đó có những người trong ban hội đình Minh Thuận.

Giữa năm 1930, Chi bộ Mỹ Hòa đã phối hợp với Chi bộ Mỹ Thập Phú, Long Hậu vận động dân phu đấu tranh chống lại việc chính quyền bắt dân phu trong đó có những thành viên trong ban hội đình đắp hương lộ 19 mà không trả tiền công. Cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang lớn được báo Tiếng Chuông cử ký giả đến chụp ảnh đưa tin. Trong phong trào Mặt trận dân chủ 1936 – 1939, đình Minh Thuận được các đồng chí trong Huyện ủy Cầu Ngang chọn làm địa điểm hội họp thường xuyên và là địa điểm tập hợp quần chúng nhân dân, khởi phát các phong trào đấu tranh hợp pháp. Ban hội đình lúc này do ông Lâm Văn Thưởng làm hội trưởng, Nguyễn Văn Biền làm bồi bái, Lâm Văn Thiết hương văn, Đoàn Văn Lâu hương lễ, Nguyễn Văn Năng hương khánh,…

Giữa tháng 10/1937, đồng chí Dương Quang Đông là ủy viên Ủy ban Hành động Nam kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành động tỉnh Trà Vinh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Tỉnh ủy Trà Vinh với Huyện ủy và Ủy ban Hành động các huyện trong tỉnh cũng được tổ chức tại đình.

Năm 1938, nhân sự kiện Huyện Hợi được thăng quan tiến chức, được sự chỉ đạo của đồng chí Dương Quang Đông, đồng chí Nguyễn Duy Khâm dùng tình nghĩa bạn học cũ với Nguyễn Văn Bữu (Ba Bữu) cũng là con của Huyện Hợi để bàn chuyện tổ chức lễ tiệc ăn mừng. Ngày mở tiệc đến, khách về dự rất đông, không khí buổi lễ trang nghiêm, khách dự trật tự. Vào lễ, sau khi gia chủ giới thiệu và chúc mừng quan khách Nguyễn Duy Khâm đọc diễn văn (bằng tiếng Pháp). Với vốn hiểu biết và tài hùng biện của mình, ông đã làm cho tất cả quan khách trong đó có một vài người trong ban hương chức, hội tề đình Minh Thuận dự tiệc phải kính nể, im phăng phắt lắng nghe. Nguyễn Duy Khâm, một đảng viên cộng sản đã biến bài diễn văn của mình thành bài bình phẩm, biến buổi tiệc thành một cuộc mít tinh để vạch trần mặt trái xã hội đương thời. Qua cuộc mit-tinh và diễn thuyết này, đã giác ngộ được nhiều thanh niên có lý tưởng cách mạng làm nòng cốt trong Thanh niên Tiền phong và cho cách mạng sau này.

Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, Thanh niên Tiền phong Mỹ Hòa, các toán, liên toán Thanh niên Tiền phong các ấp lần lượt ra đời, đã tập hợp đại bộ phận thanh niên trong đó có những thanh niên của hội đình Minh Thuận vào tổ chức. Mọi người tự trang bị tầm vông vạt nhọn, dây thừng,… hăng say luyện tập đội hình, đội ngũ, võ nghệ sẵn sàng chờ đợi thời cơ đứng lên cướp chính quyền.

Sáng ngày 26/8/1945, cuộc khởi nghĩa diễn ra tại huyện lỵ Cầu Ngang. Lực lượng cách mạng bao gồm hàng nghìn quần chúng Mỹ Hòa, do Thanh niên Tiền phong làm nồng cốt cùng lực lượng các xã lân cận kéo về dinh quận kêu gọi Quận Truyền giao chính quyền cho nhân dân. Trước sức mạnh của quần chúng, Quận Truyền chấp nhận đầu hàng, bàn giao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám thắng lợi ở Cầu Ngang đã có một phần đóng góp của lực lượng là những người trong hội đình Minh Thuận.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, ngày 23/09/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Ngày 8/1/1946, chúng đưa quân tiến đánh Cầu Ngang. Thực hiện lời kêu gọi “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến” đình Minh Thuận được đốt bỏ.

Về kiến trúc nghệ thuật đình Minh Thuận là tổ hợp công trình kiến trúc khá đặc sắc gồm: rào cổng, nhà khách, vỏ ca, chánh tẩm, nhà trù.

Rào cổng được xây dựng lại gần đây bằng xi măng cốt thép. Hàng rào theo kiểu thượng song hạ bản. Cổng với một cửa ra vào, hai bên trụ cổng đấp nổi câu đối: Minh tướng, minh quân, Minh Thuận đình. Thuận thiên, thuận địa, thuận dân cư. Phần trên cổng được làm theo dạng cuốn thư đấp nổi ba chữ Đình Minh Thuận.
Vào cổng qua khoản sân hẹp thì đến nhà khách. Nhà khách được xây dựng theo kiểu ngôi nhà kéo dài chiều ngang gồm 5 gian với 3 cửa ra vào. Bên trên đầu cột được trang trí một băng hoa văn theo chiều ngang chạy dài hết mặt tiền ngôi đình đó là những viên gạch men màu hình hoa lá. Phần mặt dựng từ đầu cột lên trên gồm 5 ô hộc của 5 gian. Ô hộc gian giữa đấp nổi ba chữ Hán Minh Thuận Đình. Ô liền kề bên trái bốn chữ phong điều vũ thuận (mưa thuận gió hòa). Ô liền kề bên phải bốn chữ quốc thái dân an (dân yên nước mạnh). Ô bên trái gian ngoài cùng có năm chữ trong vòng tròn Đinh Sữu niên thu nguyệt (mùa thu năm Đinh Sữu). Ô bên phải gian ngoài cùng bốn chữ số trong vòng tròn 1877 (năm 1877). Phần trên ô hộc gian giữa gắn tiểu tượng song long tranh châu. Rồng biểu trưng cho trạng thái động, cho sự phát triển, thịnh vượng, tốt đẹp. Bên trái gắn tiểu tượng Nhật Thần (Ông Nhật), bên phải tiểu tượng Nguyệt Thần (Bà Nguyệt). Đối xứng gian giữa về hai bên lần lược gắn mỗi bên 01 tượng hình mặt trời, 01 tượng sư tử tử vịn cầu và 01 tiểu tượng sư tử. Tất cả các tượng này đều làm bằng gốm.

Kế tiếp nhà khách là vỏ ca. Vỏ ca đình Minh Thuận không để trống như những ngôi đình khác mà xây dựng vách hai bên hông nối liền chánh tẩm và nhà khách nhằm bảo vệ toàn bộ nội thất ngôi đình. Đây là đặc điểm thường thấy ở một số ngôi đình trong nội thị, nơi đông dân cư. Vỏ ca được xây dựng theo kiểu phương đình là ngôi nhà tứ trụ với 18 cột gồm hai loại cột tròn và cột vuông.

Nối liền vỏ ca là chánh tẩm, đây cũng là ngôi nhà tứ trụ. Chánh tẩm gồm ba gian thờ (mặt trước) và ba gian thờ mặt sau (hậu tẩm). Ở mặt trước bố trí 3 gian thờ, gian giữa là gian thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh nằm sát vách có án thờ với chữ Thần bằng Hán tự cùng câu đối cũng viết bằng Hán tự.

Phía trước bàn thờ Thần là bàn Ngọc Hoàng, nguyên bàn thờ này trước đây là bàn thờ Hội đồng, thờ những vị hương chức của đình. Sau đó có sự giao thoa với văn hóa người Hoa thì bàn thờ này chuyển thành bàn thờ Ngọc Hoàng. Hai bên mỗi bên đặt một dàn lỗ bộ, nhưng mỗi dàn chỉ còn 06 binh khí

Cặp sát bàn thờ Ngọc Hoàng phía trước hai bên là hai trụ cột tròn, trên mỗi trụ cột đặt một cặp quy hạc. Quy hạc là hai con vật biểu trưng cho sự sống lâu. Câu chúc tụng thường gặp của biểu trưng quy hạc là “quy trù hạc toán” có nghĩa là “thọ ngang với quy và hạc”. Tuy nhiên, hạc ở đây lại đứng trên lưng quy, là hình tượng biểu trưng cho tổng hợp thể không gian thời gian “vũ trụ”. Bốn phương và trên dưới là vũ, xưa qua nay là trụ. Nói cách khác “quy - hạc” biểu trưng cho sự trường tồn bền vững và vĩnh cửu.

Gian bên trái là gian thờ Tả Ban trang trí hình long vân, tùng hổ, hoa trái và cặp quy cùng câu đối: Xuân tự thu thưởng đạo lễ lạc, Tả chiêu hữu dương tự văn chương. Gian bên phải là gian thờ Hữu Ban trang trí giống như gian Tả ban cùng câu đối: Trúc ba tùng mậu hồng cơ viễn, Quế tử lan tôn yến dực trường. Phí tên các gian thờ trang trí các bao lam bằng gỗ chạm hoa trái, chim chóc. Ngoài ra, ở vách hông hai bên trái còn có bàn thờ Bạch Mã - Thái Giám cùng Quan Thánh Đế Quân.

Ở phần hậu tẩm bố trí 3 bàn thờ Hữu khai tất tiên (được mở mang là nhờ Tổ tiên), Sùng đức báo ân (quý trọng người có đức, đền trả người có công), Kế chí cầu sự (tiếp nối chí nguyện người trước, mong cầu sự nghiệp cho đời sau). Nội hàm, ý nghĩa của các bàn thờ này không khác gì thờ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền.

Đình Minh Thuận là cơ sở tín ngưỡng dân gian có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cũng là công trình kiến trúc nghệ thuật để chúng ta nghiên cứu, tham quan, học tập. Ngày 12/7/2018, UBND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 1416 /QĐ-UBND công nhận đình Minh Thuận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

                                                                                   Văn Tưởng