Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh: Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và định hướng khởi nghiệp cho sinh viên
Lượt xem: 4931
Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa là một trong những hoạt động chủ lực của Dự án Phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) nhằm hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ và vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình này được triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay đã nhận hơn 40 ý tưởng từ các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Qua quá trình sàng lọc, đến nay có 8 DN và hộ kinh doanh đã được cam kết hỗ trợ với tổng số tiền 3,345 tỷ đồng. 

Ông Phạm Đình Ngãi chia sẻ kỹ thuật thu mật hoa dừa tại vùng nguyên liệu

Vừa qua, Dự án SME Trà Vinh kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV) khảo sát thực tế mô hình khởi nghiệp trồng dừa lấy mật tại Công ty TNHH Trà Vinh FARM ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần. Đây là một trong những DN được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh FARM chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn. Song song đó, sản phẩm mật hoa dừa mới nên việc tiêu thụ gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh khó khăn đã giúp nhiều cơ hội, nhất là sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng. Khởi nghiệp về nông nghiệp rất thuận lợi, ý tưởng đầu tiên nên chọn những loại cây trồng nông nghiệp ở quê hương mình sinh sống, nhất là cây truyền thống của ông bà trồng thì cơ hội khởi nghiệp thành công khá cao, bởi cây trồng nông nghiệp ở quê mình quen và gần gũi. Mặt khác, cây trồng truyền thống của có lợi thế về nguồn sinh thái, nguồn lao động công nhân sẵn có tại địa phương nên việc khởi nghiệp thuận lợi hơn. 

Theo ông Phạm Đình Ngãi, để khởi nghiệp thành công, trước khi rời ghế nhà trường, học sinh, sinh viên cần trải nghiệm tại các công ty, DN về một lĩnh vực mà mình định hướng khởi nghiệp và đúc kết kinh nghiệm sau đó tiến hành khởi nghiệp. Quan trọng là trong quá trình khởi nghiệp cần nuôi dưỡng ý chí, niềm đam mê khởi nghiệp, để khi gặp thất bại mới đủ niềm tin và nghị lực đam mê mới khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, khởi nghiệp cần phải có nguồn tài chính vững chắc, điều phối việc kinh doanh hiệu quả mang lại lợi nhuận cao. Song song đó, tập trung vào năng lực cốt lõi nhất là việc gì giỏi nhất tập trung vào việc đó, nếu việc gì khó cần phải tìm cộng sự hoặc liên kết với đơn vị khác. Năng lực cốt lõi của Công ty TNHH Trà Vinh FARM là chuyên về công nghệ chế biến thực phẩm, lợi thế của Công ty đã tìm được người đồng hành, cộng sự tốt như từ nông dân đến nhà máy sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong quá trình khởi nghiệp, sản phẩm luôn luôn phải đổi mới và sáng tạo để cạnh tranh với thị trường. Vừa qua, Công ty được Dự án tài trợ 300 triệu đồng để tập trung phát triển máy móc đầu tư chủ yếu về công nghệ, còn vốn đối ứng Công ty đầu tư vào nhà máy và xây dựng thương hiệu.

Giảng viên Trường Đại học Trà Vinh tham khảo quy trình chế biến mật hoa dừa tại Công ty TNHH Trà Vinh FARM 

Sinh viên Lâm Văn Phương, chuyên ngành Luật, Trường ĐHTV bày tỏ: sau khi tham quan từ vùng nguyên liệu đến khâu sơ chế, chế biến mật hoa dừa tại Công ty TNHH Trà Vinh FARM em học hỏi được nhiều điều hay, nhất là giá trị cây dừa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sau khi trải nghiệm thực tế, em nhận thấy giá trị thu và chế biến mật hoa dừa tăng gấp 3 - 5 lần so với trồng dừa thu hoạch trái. Từ lâu, em có ý tưởng hình thành khởi nghiệp từ trong suy nghĩ là cây dừa nước tại quê hương em ở xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang. Nguyên liệu từ trái dừa nước sau khi được chế biến thành nước giải khát, chè,… thời gian bảo quản ngắn, do đó nếu có điều kiện khởi nghiệp, em sẽ khởi nghiệp sản phẩm từ trái dừa nước và chế biến thành món ăn phục vụ người tiêu dùng và nghiên cứu chế biến sản phẩm trái dừa nước có thời gian bảo quản lâu dài.

Thông qua chuyến tham quan thực tế từ mô hình khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trường ĐHTV cho biết: Trường đã thành lập tổ chuyên gia phụ trách công tác đào tạo kiến thức kỹ năng cho sinh viên đang học tập và sau khi tốt nghiệp đại học có ý thức khởi nghiệp. Để tiếp cận đào tạo đạt hiệu quả cao gắn với các mô hình khởi nghiệp thành công khả thi. Do đó, Trường ĐHTV phối hợp với Dự án SME Trà Vinh tổ chức chuyến tham thực tế mô hình khởi nghiệp của DN để giảng viên có định hướng cho sinh viên nhằm thúc đẩy công tác đào tạo ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp từ ngay trên ghế nhà trường. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vũ An, hướng tới, Trường ĐHTV phối hợp với Dự án SME Trà Vinh đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua mục tiêu khởi nghiệp, cụ thể là công tác đào tạo về kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Đồng thời, tổ chức các sự kiện kết nối giúp sinh viên có ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi tiếp cận với DN. Bên cạnh đó, Trường ĐHTV chuẩn hóa quy trình tổ chức cuộc thi “ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên” theo thể lệ cuộc thi Hult Prize (cuộc thi khởi nghiệp đáng giá nhất thế giới, còn được gọi là “Giải Nobel dành cho sinh viên” là giải thưởng thường niên được tổ chức cho sinh viên trên toàn thế giới). Cuộc thi nhằm giúp sinh viên xây dựng ý tưởng và tìm ra con đường lập nghiệp trong tương lai, góp phần tạo thêm việc làm cho sinh viên Trường ĐHTV từ những dự án khởi nghiệp thành công.

Sau khi khảo sát thực tế tại mô hình khởi nghiệp trồng dừa lấy mật, trong tháng 6/2020, Dự án SME Trà Vinh sẽ tổ chức chuỗi các lớp tập huấn dành cho các DN trên địa bàn tỉnh. Thông qua chuỗi tập huấn, Dự án SME Trà Vinh giới thiệu và tham khảo ý kiến DN về những dịch vụ hỗ trợ DN để đáp ứng nhu cầu DN. 

Nội dung tập trung vào các giải pháp tăng trưởng kinh doanh cùng thương mại điện tử, kỹ năng huy động vốn, phát triển thương hiệu cho sản phẩm và DN, nâng tầm thương hiệu với bao bì đúng quy chuẩn.

Mỹ Nhân

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
6 người đã bình chọn