Vốn tín dụng chính sách: Tạo động lực mạnh mẽ trong thực hiện giảm nghèo
Lượt xem: 2395
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, góp phần cùng với tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Qua 05 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã cơ bản bám sát các nội dung, yêu cầu mà Nghị quyết số 40 đặt ra.

Ông Dương Huy Phong, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Trà Vinh chia sẻ: thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 726-CV/TU, ngày 04/6/2015 “về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với tín dụng CSXH”, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND, ngày 19/7/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng CSXH, thực hiện các mục tiêu việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, XDNTM, Ngân hàng CSXH và các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực, sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả; nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. 

Từ những chủ trương, cơ chế chính sách cụ thể, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, mặc dù tỉnh còn gặp khó khăn về ngân sách, nhưng đã tranh thủ bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác hơn 167,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cấp xã chuyển sang từ khi có Chỉ thị số 40 đạt gần 127 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2014. Đặc biệt, có 09/09 huyện, thị, thành phố và có 23 đơn vị cấp xã đã tranh thủ các nguồn vốn, dự án chuyển vốn sang Ngân hàng CSXH hàng năm để cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã XDNTM, qua đó góp phần góp phần đáng kể vào tiêu chí việc làm tại các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh.

Phát huy thế mạnh đất giồng cát, nông dân xã Dân Thành sử dụng nguồn vốn vay chính sách ưu đãi trồng màu hiệu quả kinh tế

Kết quả từ Chỉ thị số 40 đã rõ, trong 05 năm đã cho vay đạt trên 4.700 tỷ đồng, với 310.000 lượt khách hàng được vay vốn. Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Trà Vinh quản lý dư nợ gần 2.700 tỷ đồng, với 15 chương trình tín dụng chính sách, trên 123.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn; có thể khẳng định rằng nguồn lực từ tín dụng CSXH cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt nguồn vốn chính sách đã góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Đồng thời, chất lượng tín dụng Ngân hàng CSXH ngày càng được nâng cao và quản lý nguồn vốn chặt chẽ. Cuối tháng 6/2020, nợ quá hạn và nợ khoanh 12,6 tỷ đồng, chiếm 0,47% trên tổng dư nợ, giảm 1,25% so với cuối năm 2014. 

Trên những “nền tảng” đã đạt được trong 05 năm qua, theo ông Dương Huy Phong: thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, Quyết định số 401, trọng tâm là nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đối với Ngân hàng CSXH, tiếp tục triển khai các nguồn vốn vay từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; hướng dẫn, bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ; hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM trên địa bàn tỉnh. Nổi bật 05 năm qua đã giúp đã giúp trên 310.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp, phần giúp trên 50.000 hộ thoát nghèo; trên 8.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 14.000 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; tạo điều kiện cho gần 1.100 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng trên 81.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 6.200 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn để làm nhà ở.

Trường Nguyên

Tin khác