Giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển
Lượt xem: 4258
Cùng với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, tỉnh tập trung thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Để thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ phát triển, tỉnh đã tập trung một số nhiệm vụ giải pháp quan trọng từ nay đến cuối năm 2020.

Hệ thống siêu thị là nơi trao đổi hàng hóa tin cậy của người tiêu dùng

Theo ông Lưu Văn Nhạnh - Phó Giám đốc Sở Công thương, theo dự báo, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở một số nước trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt các nước phát triển, các nước lớn, có thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất. Trong nước, tình hình dịch bệnh đang xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Theo dõi thị trường, giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh Covid-19 gây ra để xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương phát động: tổ chức tham gia công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng phát triển thị trường tại các cơ sở, doanh nghiệp; hỗ trợ hội nhập hiệu quả, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường; phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, đẩy mạnh kết nối giữa nhà phân phối và nông dân tại các vùng sản xuất nông sản, triển khai hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); duy trì và phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định của Bộ Công thương về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ nông thôn và phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ; tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Tổ chức hội chợ triển lãm gắn với Lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh năm 2020; các phiên chợ hàng Việt về nông thôn; tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh theo chương trình kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm, biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp ngoài tỉnh; phối hợp xây dựng, nâng cao giá trị nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị, kênh phân phối hiện đại (Co.opmart, Go, cửa hàng tiện lợi,...). Khuyến khích và giải quyết kịp thời cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành quản lý, kịp thời trình UBND tỉnh công bố mới hoặc bãi bỏ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính có thể cho doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành và thực hiện kế hoạch khắc phục chỉ số PCI của tỉnh, lĩnh vực ngành phụ trách, góp phần nâng cao xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh.
 
Những tháng đầu năm 2020 hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển trong bối cảnh toàn tỉnh và cả nước đối mặt với tình hình thiên tai hạn mặn, dịch bệnh Covid-19, có tầm ảnh hưởng trên diện rộng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại đang dần được phục hồi và tăng dần sau khi dịch bệnh Covid-19 ở trong nước được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 21.815,4 tỷ đồng, giảm 1,59% so cùng kỳ, đạt 57,41% so kế hoạch. Dự ước đến cuối năm 2020 đạt 34.135 tỷ đồng, giảm 7,19% so cùng kỳ, đạt 89,83% so kế hoạch. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, các siêu thị hoạt động bình thường trong thời đại dịch bệnh Covid-19; thị trường hàng hóa dồi dào, phong phú, nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường nguyên liệu ở các nước cập nhật kịp thời cho doanh nghiệp; Công tác giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 34% tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2019. Tuy lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lưu trú ăn uống đã dần hồi phục nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng dây chuyền, sau khi dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng bùng phát lây lan sang một số tỉnh, thành khác trên cả nước. Tuy nhiên, nhờ có giải pháp chỉ đạo ngăn chặn kịp thời của Chính phủ và công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ của từng địa phương, đến nay, tỉnh Trà Vinh chưa phát hiện ca mắc bệnh Covid-19 lây lan từ tâm dịch.

Ông Lưu Văn Nhạnh cho biết: thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát thì Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, liên kết thị trường tiêu thụ trên 02 phương diện: thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Tổ chức 05 chuyến liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các tỉnh, thành trong nước: Bình Thuận, Cần Thơ, Đăk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bên cạnh đó, tham gia và quảng bá sản phẩm tại 06 cuộc hội chợ trong nước; tổ chức 01 tuần lễ nông sản an toàn, VietGAP và hướng tới tham gia 01 hội chợ tại Vương quốc Campuchia./.

Bài, ảnh: Mỹ Nhân

Tin khác