LÀNG MUỐI CỒN CÙ
Lượt xem: 7410

1.

Mùa khô năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Trà Vinh đã đi vào thế ổn định. Những vùng nông thôn tự do liên hoàn rộng lớn được hình thành làm thế đối trọng với các khu đô thị mà địch kiểm soát. Thế đối trọng ở đây không chỉ diễn ra trên lĩnh vực chính trị - quân sự mà còn là cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận kinh tế, văn hóa - xã hội nữa. Trên trận địa kinh tế, nếu địch kiểm soát gắt gao các mặt hàng công nghệ phẩm như tân dược, nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến… không cho vận chuyển về vùng tự do như một biện pháp cô lập kinh tế ta, thì ngược lại, ta bao vây kinh tế bằng cách không cho các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm tươi sống… lọt vào các khu đô thị vừa gây khó khăn cho địch vừa tạo điều kiện cho nhân dân nội ô đẩy mạnh đấu tranh chính trị với địch. Để đủ sức đứng vững và chiến thắng, phong trào “tự túc” sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống kháng chiến như trồng bông, nuôi tằm dệt vải, làm cơ khí, sản xuất thuốc đông y cổ truyền… được chính quyền kháng chiến phát động rộng rãi trong nhân dân bên cạnh phong trào thi đua “tăng gia” sản xuất. Làng muối Cồn Cù (thuộc xã Trường Long Hòa, huyện Cầu Ngang, nay là xã Dân Thành, huyện Duyên Hải) được hình thành trong phong trào thi đua “tự túc” ấy.

Mùa khô năm 1947, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy vả Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh, một số cán bộ Hậu cần Tỉnh đội bộ Trà Vinh cùng bốn nông dân Cồn Cù (trong số này, hiện còn ông Ba Tốt vẫn đang cư ngụ tại Cồn Cù) giong buồm sang Bạc Liêu học nghề làm muối. Mùa khô năm 1948 - 1949, gần mười hecta ruộng muối thử nghiệm cho thu hoạch hơn 50 ngàn giạ đã làm nức lòng những người có trách nhiệm và nhân dân Cồn Cù. Cơ quan Hậu cần Tỉnh đội tổ chức lấn rừng mở rộng diện tích lên tới hơn 140 hecta vào mùa khô 1949 - 1950. Thấy nghề muối không những đứng được mà còn tỏ ra thích hợp với điều kiện thỗ nhưỡng địa phương lại cho năng suất, hiệu quả cao, bà con nông dân các ấp lân cận như Mù U, Giồng Giếng (Trường Long Hòa), Đình Cũ, Bàu Sen (Long Toàn)… cũng tham gia sản xuất, kẻ ít vài công người nhiều mấy mẫu, nên diện tích ruộng muối vùng ven biển Trà Vinh tăng nhanh, có lúc lên đến 500 - 600 mẫu tây.

Những năm đầu, để bán được muối, cơ quan Hậu cần Tỉnh đội Trà Vinh phải cử người mướn ghe len lỏi qua hệ thống đồn bót kiểm soát của địch, mang muối đi bán lẻ khắp các chợ trong tỉnh, sang các tỉnh lân cận. Dần dần, tuy sản lượng và chất lượng muối Cồn Cù chưa thể sánh được với sản phẩm đồng loại có nguồn gốc từ Bạc Liêu, Bà Rịa… nhưng nhờ Trường Long Hòa hợp cùng các xã ven biển Trà Vinh làm thành vùng tự do rộng lớn nối liền sông Tiền qua sông Hậu, thuận tiện cho các loại ghe sông, ghe biển lớn nhỏ vào “ăn hàng” nên nhiều thương lái khắp các tỉnh miền Trung Nam bộ tìm đến. Vị mặn nồng nàn của biển quê hương cộng với những giọt mồ hôi vất vả giữa trưa hè nắng cháy của người dân làm muối Cồn Cù đã đi vào từng bữa ăn khắp các tỉnh thành Khu Tám hồi đó.

Muối Cồn Cù trở thành nguồn lợi kinh tế quan trọng, tạo ra nguồn thu quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương mà còn góp phần đảm bảo các nhu cầu hoạt động của các cơ quan lãnh đạo bộ máy kháng chiến tỉnh Trà Vinh trong suốt những năm kháng chiến. Do vậy, Cồn Cù trở thành mục tiêu đỏ số một trên bản đồ quân sự của địch. Các đơn vị hiếu chiến nhất như commandos, UMDC, bảo an binh thời Pháp đến các đơn vị chủ lực, biệt kích, máy bay, pháo binh thời Mỹ được tung vào với ý đồ bóp vụn cái ấp ven biển chưa đến trăm hộ dân ấy. Nhiều năm liền, người dân Cồn Cù phải khoét động cát làm “nhà âm” để thoát khỏi sự hủy diệt của kẻ thù. Nhưng mỗi người dân Cồn Cù vai gánh muối, tay ôm súng kiên cường đánh bại mọi hoạt động đánh phá của địch. Cồn Cù vẫn ngày đêm đứng vững. Hạt muối Cồn Cù vẫn góp phần làm đậm đà hương vị bữa ăn của nhân dân gần xa. Cồn Cù - Trường Long Hòa trở thành biểu tượng của cuộc sống tự do và ý chí bất khuất.

2.
Hai thập niên trở lại đây, làng muối Cồn Cù lâm vào tình thế hết sức khó khăn.

Việc Nhà nước và các hộ dân bao đê ngăn mặn dân phá rừng nuôi tôm làm cho lượng nước ngọt từ sông Long Toàn đổ xuống có xu hướng lấn nước mặn từ biển tràn vào nên nước trên đồng Cồn Cù không còn đủ độ mặn như trước, mà hệ quả tất yếu là năng suất, sản lượng muối giảm mạnh. Theo lời chú Hai Lượm - một diêm dân bỏ ruộng muối chuyển sang nghề ươm tôm sú giống - thì những năm trước giải phóng, một hecta muối Cồn Cù mỗi năm có thể cho mười, mười hai ngàn gánh (mỗi gánh tương đương một giạ) thì nay chỉ còn bốn đến sáu ngàn gánh. Nước không đủ mặn còn làm cho một số sinh vật biển như rươi, phù du… sinh sống được trên ruộng muối làm hư nền, phải tốn chi phí xử lý khiến giá thành muối thành phẩm tăng cao.

Một điều bất hợp lý đến khó tin là ở một quốc gia có đến hơn 3.200 cây số bờ biển như nước ta mà có năm lại phải nhập khẩu một lượng khá lớn muối ăn. Điều này khiến cho muối sản xuất trong nước không ổn định được thị trường tiêu thụ, nhiều năm rớt giá thê thảm. Chú Hai Lượm nói với chúng tôi, những năm 1999 - 2000, 2003 - 2004… giá mà thương lái thu mua chỉ khoảng 30 đến 50% so với giá thành của hạt muối làm ra. Tất nhiên, theo qui luật thị trường, khi giá muối trong nước quá thấp, các doanh nghiệp sẽ không nhập khẩu nữa, lượng cung thấp hơn cầu thì chắc chắn sẽ có năm giá muối tăng vọt. Vụ mùa năm 2000 - 2001, vài diêm dân Cồn Cù có vốn, có “gan” đã “ôm” lại hàng chục ngàn giạ muối giá rẻ như bèo những năm trước đó và đã “trúng đậm”. Năm nay, 2007 - 2008, cũng vậy, chỉ mới qua vài tháng sau mùa thu hoạch mà giá muối trên thị trường đã tăng vọt gần chục lần hồi đầu vụ. Một người từng “ôm” và từng “trúng” nên khá nổi tiếng ở Cồn Cù là chú Năm Lợi đúc kết: “Làm muối bây giờ không chỉ giỏi mà còn phải “lì” lắm mới sống được!”.

Nói vậy, chớ để “ôm” vài chục ngàn giạ muối qua vài năm đợi giá không chỉ cần “lì” mà còn cần có “lực” nữa. Hỏi ra mới biết, chú Năm Lợi gần như là hộ duy nhất ở Cồn Cù hội đủ các yếu tố “lì” và “lực” bởi ngoài hai hecta ruộng muối, gia đình chú còn mấy hecta nuôi tôm và nhiều nguồn thu từ nuôi heo, nuôi bò, nuôi dê…  Trong khi đó, nhiều hộ diêm dân khác như chú Bảy Nhờ, chú Sáu Gắn, chú Tư Nhờ… đâu phải không giỏi giang, không biết tính toán, cũng không phải thiếu “lì” nhưng do không đủ “lực” mà đành gạt nước mắt đong hết mấy ngàn giạ muối ngay mỗi mùa thu hoạch.

Đã vậy, mấy năm nay, giới thương lái về Cồn Cù mua muối luôn sử dụng “táu” (đơn vị đo lường, có thể tích chuẩn là 20 lít) từ 24 - 26 lít. Người dân làm muối đổ mồ hôi trên ruộng muối không chỉ điêu đứng với giá thị trường mà còn “chết” với những cái “táu” bất lương đó. Điều này, người làm muối Cồn Cù mong mỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phát hiện và xử lý thẳng tay!

Trong khi đó, vùng đất Duyên Hải có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi tôm sú. Thực tế cho thấy trên cùng một diện tích, con tôm sú cho lãi gấp nhiều lần so với hạt muối. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thời gian qua, con tôm sú đã bò nhanh ruộng muối. Diện tích ruộng muối ở Cồn Cù và các vùng lân cận bị thu hẹp một cách nhanh chóng từ vài trăm hecta xuống còn chưa tới năm mươi hecta vào năm 2005 và sẽ còn tiếp tục giảm nữa.

Đành rằng, trong xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng năng suất - chất lượng  -hiệu quả để người dân nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo là điều cần thiết và tất yếu. Thế nhưng, sẽ buồn biết bao nhiêu khi một ngày nào đó trong bữa ăn của người dân Trà Vinh không còn vị mặn của hạt muối Cồn Cù. Và cũng đáng buồn biết bao khi cái làng nghề truyền thống một thời gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân dân Trà Vinh không còn tồn tại nữa!

          TRẦN DŨNG