Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tái bùn phát
Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Cầu Ngang nói riêng đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên đàn bò, mặc dù các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương, quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực nhưng tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, nguy cơ khả năng còn tiếp tục lây lan trên diện rộng, thì bên cạnh đó trên đàn heo, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) lại một lần nữa tiếp tục tái bùn phát. 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngày 28/9/2021, bệnh DTHCP đã xảy ra tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, số heo mắc bệnh 54 con, chết 07 con. Riêng tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Cầu Ngang, tính đến ngày 06/10/2021 đã phát hiện 01 con heo bị bệnh của hộ chăn nuôi thuộc địa bàn xã Hiệp Mỹ Tây. Dịch tả heo châu Phi (African Swine Fever - ASF) là bệnh xuất huyết lây lan rất nhanh ở heo. Tất cả heo ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Bệnh do vi rút thuộc nhóm Asfarviridae gây ra, triệu chứng và bệnh tích điển hình là sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, cuối cùng chết trong vòng 2-10 ngày, tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
Trước nguy cơ diễn biến của bệnh DTHCP, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã chủ động làm tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, UBND các xã - thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng. Để kịp thời khoanh vùng, khống chế, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, theo Công văn số 4732/UBND-NN ngày 02/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đôn đốc, tăng cường công tác phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND huyện đề nghị ngành Nông nghiệp cùng các ngành có liên quan kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các địa phương lập thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc bệnh phải tiêu hủy theo đúng quy định; xây dựng kịch bản phương án xử lý cụ thể trong trường hợp chưa có dịch, trường hợp dịch xảy ra quy mô nhỏ, lẻ và quy mô lớn. Phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, nhân lực, địa điểm xử lý heo bệnh, chết, hướng dẫn kỹ thuật chôn, lấp heo bệnh,.... việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường, đặc biệt là ở vùng ngập nước. Huy động lực lượng chuyên môn tham gia công tác phòng, chống dịch; khẩn trương tiến hành rà soát tổng đàn heo tại địa phương, những hộ nuôi mới nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan sang hộ khác. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khuyến cáo người dân không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho heo ăn. Các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không được chủ quan, cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo; hướng dẫn người chăn nuôi nhận thức về tính chất nguy hại và lây lan của bệnh dịch, không vứt xác heo ra ngoài môi trường (sông, kênh, rạch,...). Vận động hộ chăn nuôi hàng ngày kiểm tra thể trạng đàn heo, khi phát hiện có triệu chứng bất thường báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được phối hợp xử lý; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 Đối với hộ chăn nuôi và cộng đồng, cần thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống,...), kết hợp với sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh vật, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng cho heo. Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng,... góp phần ngăn ngừa dịch bệnh. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống chất lượng tốt. Khi phát hiện heo nghi hoặc nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện giáp ranh với vùng có dịch bệnh, các vùng nguy cơ cao để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn; rà soát, tổng hợp ngay tổng đàn heo hiện có để định hướng các giải pháp phòng dịch. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống; ...) để phòng dịch.

Đối với các địa phương đã xảy ra dịch, huy động mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm phát hiện và dập tắt kịp thời khi dịch bệnh mới xảy ra, không để lây lan ra diện rộng. Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường theo quy định. Tăng tần suất vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, nhất là ở các hộ chăn nuôi trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc, khử trùng, làm sạch môi trường hạn chế lây lan mầm bệnh; thực hiện tốt việc phun xịt khử trùng đối với dụng cụ, phương tiện, lực lượng phòng, chống dịch, người và phương tiện ra, vào vùng có dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tuyến đường có thể vận chuyển heo và sản phẩm từ heo vào địa bàn (lưu ý đường thủy), kiên quyết xử lý tiêu hủy heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc. Đặc biệt chú trọng hoạt động các chốt kiểm soát dịch ở vùng dịch để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các xã chưa có dịch. Tăng cường lực lượng để kiểm tra, theo dõi giám sát đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, khi phát hiện bệnh DTHCP phải kịp thời báo cáo, nghiêm cấm giấu bệnh.

Bảo Lộc
Bản đồ hành chính







Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 2672
  • Trong tuần: 31 083
  • Tất cả: 3719874
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner