Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19: Trường Thọ khó đạt chỉ tiêu nghị quyết về giảm nghèo
Những tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội xã Trường Thọ tiếp tục có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch bệnh Covid - 19 làm giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi... tăng cao, trong khi giá đầu ra không ổn định, làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình thực nghị quyết của xã, nhất là công tác giảm nghèo.

Hiện xã có 240 hộ nghèo, chiếm 9,56%, trong này có 62 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, năm 2021 huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho xã phải đạt 7,48% (tương đương 188 hộ). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình thực hiện một số nghị quyết cũng như công tác giảm nghèo của xã không đạt chỉ tiêu huyện giao. Song song đó, công tác XDNTM gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách hội, xã tập trung dồn sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh nên việc thực hiện những chỉ tiêu trong các tiêu chí XDNTM chậm và khó đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Theo ông Trần Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng xã phấn đấu tập trung thực hiện những chỉ tiêu nằm trong khả năng của địa phương. Quan trọng hơn dồn sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh không để xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn xã; đồng thời ưu tiên công tác XDNTM và công tác giảm nghèo. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên khó có khả năng đạt chỉ tiêu về công tác giảm nghèo. Chính vì vậy, xã tiếp tục rà soát và hỗ trợ các nguồn lực cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Bên cạnh đó, xã thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, trồng màu có giá trị kinh tế cao. Vận động nhân dân tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất, kịp thời nhân rộng cách làm hay, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả để người dân thực hiện như mô hình trồng lúa giống chất lượng cao, nuôi gà thả vườn, nuôi cá thác lác, nuôi bò sinh sản, mô hình trồng màu... điển hình như mô hình trồng lúa kết hợp nuôi bò sinh sản của gia đình bà Thạch Thị Huynh, ngụ ấp Căn Nom, xã Trường Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua. Bà Huynh cho biết: Trước đây kinh tế gia đình bà gặp không ít khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất 02 - 03 vụ lúa/năm trên diện tích 1,2ha, lợi nhuận đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ. Nhằm thúc đẩy kinh tế gia đình, được nhà nước hỗ trợ bà mạnh dạn vay 60 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản đạt kết quả khả quan; đồng thời chuyển hơn 1.000m2 đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để đảm bảo thức ăn trong chăn nuôi. Gia đình bà luôn duy trì từ 05 - 06 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán từ 02 - 03 con, thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, nhờ vậy kinh tế dần phát triển. 

Bà Thạch Thị Huynh

Song song đó, xã đa dạng hóa các giải pháp tuyên truyền về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự lực của người dân, không ỷ lại vào nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo. Phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện các chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đầu tư vốn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập. Rà soát những hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động; hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để tham gia xuất khẩu lao động; đối với trường hợp không tham gia xuất khẩu lao động, xã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Trà Vinh giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh. 

Tuy bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình phát triển kinh tế của xã trong những tháng đầu năm đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Về tình hình sản xuất nông nghiệp, đối với cây lúa diện tích xuống đông - xuân, hè - thu đạt 2.460ha; chủ yếu các loại giống như: OM18, OM5451, siêu hàm trâu… trong đó có 01 tổ hợp tác sản xuất lúa giống RVT tại ấp Căn Nom với 19 thành viên sản xuất 32ha liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam để bao tiêu sản phẩm. Hiện nay lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, tuy nhiên, có 150ha xuất hiện bệnh đạo ôn lá nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể. Về cây màu, xuống giống 534ha, đạt 71% kế hoạch với các loại màu như dưa leo, cà chua, khổ qua... về chăn nuôi tập trung nhiều nhất phát  triển đàn bò, với tổng đàn 5.593 con, đạt 124% kế hoạch; đàn heo 2.400 con, đạt 48% kế hoạch; đàn gia cầm 33.914 con. Bên cạnh đó, xã có 13 hộ thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá thác lác kết hợp sặc rằn, cá lóc, cá chạch lấu, nuôi lươn không bùn 142.680 con giống, đến nay đã có 03 hộ thu hoạch sản lượng 180kg lươn thương phẩm, giá bán 120.000 đồng/kg, lợi nhuận 08 triệu đồng/hộ. Về XDNTM, xã tiếp tục giữ vững và nâng chất 14 tiêu chí đã đạt, đồng thời chỉ đạo xây dựng 05 tiêu chí còn lại, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2022.

Đối với công tác giảm nghèo, xã vận động hỗ trợ cho 408 triệu đồng giúp 1.193 hộ cận nghèo, hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thông qua chương trình “hỗ trợ cộng đồng ứng phó với mùa khô 2020 - 2021”, xã cấp dụng cụ chứa nước và một số hàng tiêu dùng khác... cho 60 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 300 triệu đồng. Phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân tái đầu tư và đầu tư mới giúp 76 hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 12,5 tỷ đồng. Song song đó, đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho 182 lao động, xuất cảnh 09 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết, đến nay có 5.478 lao động có việc làm, chiếm 99,55% so tổng số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế; số lao động có việc làm qua đào tạo là 3.451 lao động, chiếm 62,9%, có 1.662 lao động có chứng chỉ chiếm 48,2% so lao động qua đào tạo.

Thanh Nguyên
Bản đồ hành chính







Thống kê truy cập
  • Đang online: 195
  • Hôm nay: 2733
  • Trong tuần: 32 701
  • Tất cả: 3723218
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner