Đàn bò ... thiếu cỏ !
Huyện Cầu Ngang hiện có đàn bò hơn 58.000 ngàn con, tăng thêm 500 con so năm 2021, là một trong những địa phương có đàn bò cao nhất tỉnh Trà Vinh. Đàn bò tăng cao nhưng đồng cỏ thì có giới hạn, phát triển không đáng kể, giá bán rơm làm thức ăn chăn nuôi bò những tháng cuối năm 2022 tăng gấp gần 2 lần so năm 2021 làm cho lợi nhuận người nuôi bò giảm mạnh, gây khó khăn cho người nuôi bò.

Giá rơm cuộn tăng cao lên đến 50.000 đồng/cuộn gấp gần 2 lần so năm 2021 người chăn nuôi bò gặp khó

Người nuôi bò gặp khó

Mặc dù hiện nay nông dân các địa phương trong tỉnh đang bước vào cuối vụ thu hoạch vụ lúa thu đông - mùa, nhưng giá rơm cuộn vẫn tăng cao lên đến 50.000 đồng/cuộn, gấp gần 2 lần so năm 2021. Với tổng đàn bò hơn 58.000 con, người chăn nuôi bò Cầu Ngang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn thức ăn thiếu, giá tăng cao trong khi giá bò giảm thấp. Ông Thạch Dương, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang chăn nuôi 08 con bò sinh sản và bò thịt. Trước đây hàng năm vào dịp tết xuất chuồng 4-5 con, lợi nhuận mang lại từ 60 đến 70 triệu đồng. Năm nay, trước tình hình giá rơm tăng cao ông dự định bán bớt đi đàn bò nhưng giá bò giảm mạnh đành phải giữ lại cho ăn cầm chừng. Theo ông Dương 01 cuộn rơm khoảng 13 đến 14kg, giá hiện nay 48.000 đến 50.000 đồng/cuộn chỉ đủ cho con bò ăn trong 2 đến 3 ngày. Ông Kim Sô Phan, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, cho biết: Toàn xã có 5.206 con bò, bên cạnh nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm cây màu (đậu phộng, bắp) làm thức ăn cho bò thì nguồn thức ăn chính vẫn là rơm cuộn. Trước đây, nuôi bò sinh sản (bò cái), bò vỗ béo (bò thịt) là “cứu cánh” xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại địa phương, nhưng giá rơm cuộn hiện nay tăng cao khiến người nuôi bò không có lợi nhuận, thêm vào đó giá bò giảm mạnh, đầu ra không ổn định người nuôi bò gặp khó. Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, cho biết, 4 năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng với các chi nhánh ngân hàng giải ngân 9,7 tỷ đồng cho 200 hộ dân thực hiện quy trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Nhờ đó, đàn bò của huyện hiện đã phát triển tổng đàn được hơn 58.000 con, cao nhất tỉnh. Trước tình trạng thiếu cỏ, giá rơm cuộn tăng cao khiến người nuôi bò gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Viễn, Bí thư xã Hiệp Hòa, Cầu Ngang, cho biết: Hiện nay, nông dân trong huyện và các địa phương trong tỉnh đang vào cuối vụ thu hoạch lúa thu đông-mùa nhưng giá rơm cuộn lại tăng gần gấp 2 lần so năm trước. Giá thức ăn tăng cao, nên việc mua bán bò giống (bò cái sinh sản) và bò thịt (bê con)  tại địa phương không thuận lợi như mọi năm. Tình hình rơm cuộn giá cao, nguồn thức ăn từ cỏ lại thiếu nhiều nên nông dân không còn mặn mà với con bò, nhiều hộ bán tháo, bán đỗ do giá bò liên tục giảm mạnh. Hiện một con bê lai sind 06 tháng tuổi giá chỉ còn 09 -12 triệu đồng (tùy giống), giảm từ 5 đến 8 triệu đồng so các năm trước.

Phát triển đồng cỏ

Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, hầu hết bò nuôi tại tỉnh Trà Vinh hiện nay là bò (lai) thịt. Các giống bò phổ biến vẫn là lai Sind, Brahman, Charolais, Angus, Droughtmaster hoặc BBB...Từ năm 2018 đến nay, đàn bò tăng theo từng năm, thức ăn cho bò chủ yếu là rơm, cỏ. Ngoài ra, tùy theo từng địa phương, người nuôi bò sử dụng thêm thân cây bắp, đậu phộng, ngọn mía,…Với tổng đàn bò khoảng 240.000 con thì cần phải có một lượng thức ăn lớn. Hàng năm, diện tích trồng lúa của tỉnh tạo ra khoảng hơn một triệu tấn rơm, rạ, nhưng theo ước tính lượng rơm thu được chỉ khoảng hơn 0,5 triệu tấn. Về thân cây bắp khoảng 0,2 triệu tấn, đậu phộng khoảng 1.500 tấn,…Về cỏ trồng, diện tích phát triển không đáng kể không đủ thức ăn để nuôi bò. Mặt khác, các khu vực chăn thả ngày càng bị thu hẹp, bò phải nuôi nhốt, không thể tự kiếm ăn, dẫn đến nhu cầu thức ăn xanh cho nuôi bò ngày càng tăng. Những năm gần đây, thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ chuyển trên 550 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, trong đó riêng huyện Cầu Ngang, Trà Cú, 02 địa phương có đàn bò cao nhất tỉnh là trên 450 ha, ước có thêm khoảng 120.000 tấn cỏ để phục vụ nuôi bò. Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Người trồng cỏ được hỗ trợ 01 lần kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi là 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, trước diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, hạn và xâm nhập mặn ngày một ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa, màu. Tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều chính sách trợ vốn, khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sang trồng cỏ nuôi bò, nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay diện tích chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ trong nông dân chưa tương xứng với đàn bò hiện có.

Đình Cảnh
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 297
  • Trong tuần: 1 621
  • Tất cả: 3756383
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner