Vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện Cầu Ngang và Đảng bộ xã Mỹ Long trong thực hiện Đồng khởi Trà Vinh thắng lợi
Với vị trí địa lý mang tính chiến lược, án ngữ một trong những cửa biển quan trọng nhất của Nam Bộ, đồng thời là địa bàn bản lề nối khu vực đồng bằng trung tâm tỉnh Trà Vinh với khu vực ven biển có nhiều rừng ngập mặn rộng lớn phía Nam. Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh luôn là nơi diễn ra các phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, là một trong những địa phương thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Chính tại vùng đất này, Đảng bộ, quân và dân Cầu Ngang đã góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn trong phong trào Đồng khởi tại Trà Vinh năm 1960. 

Đại biểu viếng bia Đồng khởi nhân kỷ niệm 60 năm (14/9/1960 - 14/9/2020)

Nhìn lại những chiến công oanh liệt ấy, chúng ta không bao giờ quên được phong trào Đồng khởi năm 1960, tiêu biểu là Đồng khởi Mỹ Long ngày 14/9/1960. Vì phong trào có tầm quan trọng đặc biệt, là một mốc son lịch sử, khởi điểm thắng lợi đầu tiên cho Đồng khởi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đồng Khởi 14/9/1960, còn là bức tranh tuyệt đẹp với tinh thần tự lực, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, mưu trí của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Mỹ Long nói riêng, huyện Cầu Ngang nói chung trong cuộc đấu tranh giáp mặt với quân thù, nhằm giành và giữ chính quyền cách mạng, đánh bại mọi chiến lược, chiến tranh của Mỹ, Ngụy.

Sau Hiệp định Giơnevơ, vai trò của Pháp ở Đông Dương đã từng bước chấm dứt. Theo Hiệp định này, Việt Nam tạm thời chia làm 2 miền Nam - Bắc với hai chế độ chính trị khác nhau. Mặc dù Hiệp định Giơnevơ đã ký kết, song đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong những năm 1957 - 1959, Mĩ – Diệm luôn tăng cường đàn áp và khủng bố cách mạng miền Nam như ra sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, thực hiện “Đạo luật 10/59” công khai chém giết những người vô tội khắp miền Nam… Thời điểm bấy giờ, đối với Cầu Ngang ngụy quyền cho là điểm nóng, luôn tập trung đánh phá bằng mọi thủ đoạn quỷ quyệt, tàn bạo, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện bước vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Địch bắt đầu triển khai các đợt tố cộng, chúng huy động lực lượng tề, dân vệ, công dân vụ, tình báo... đến đóng chốt tận ấp, xóm, nhà dân để tuyên truyền đầu độc, lừa mị chiêu bài “Chính nghĩa quốc gia”; vu khống, nói xấu cách mạng, bắt dân treo bản ủng hộ Diệm, đả đảo Bác Hồ, cậm bảng đen gia đình kháng chiến để chia rẽ cô lập, bắt buộc vợ cán bộ kháng chiến phải ly khai chồng, lấy chồng khác với ý đồ tách Đảng ra khỏi dân, thực hiện thủ đoạn “Tát nước bắt cá”.

Vào tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, đã ban hành Nghị quyết 15, chính thức chủ trương phong trào cách mạng miền Nam xây dựng các lực lượng vũ trang và bán vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giành quyền làm chủ từng phần. Đây được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong chủ trương của Đảng về phương thức tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng tại miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta đi vào giai đoạn mới. Quán triệt Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, tỉnh Trà Vinh đã đề ra kế hoạch tiếp tục tấn công địch và tích cực chuẩn bị cho Đồng khởi. Sau cuộc Đồng khởi 17/01/1960 của Nhân dân Bến Tre thắng lợi vang dội, Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy miền Tây đã quyết định thống nhất thời điểm Đồng khởi trên toàn Nam Bộ là ngày 14/9/1960.

Tại Trà Vinh, tình hình lúc bấy giờ đã nổi lên 3 yếu tố: địch thì yếu, quần chúng thì căm thù địch cao độ, còn ta thì có quyết tâm rất cao. Rõ ràng tình hình đã đến lúc chín mùi, nếu có phương pháp cách mạng đúng, huy động được sức mạnh của Nhân dân, mạnh dạn chủ trương đồng khởi, bao vây, bức đồn địch giải phóng nông thôn nhất định sẽ giành thắng lợi. Vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định mở đợt đồng khởi chọn các xã ven biển, ven rừng để làm trọng điểm như: Mỹ Long, Long Hữu, Trường Long Hòa, Long Vĩnh của huyện Cầu Ngang (thời điểm chưa tách huyện Cầu Ngang – Duyên Hải). Như vậy, huyện Cầu Ngang được tỉnh chọn làm mảng điểm cho phong trào Đồng khởi đầu tiên trong tỉnh Trà Vinh, trong đó lấy xã Mỹ Long làm trọng điểm trong mảng điểm. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên lúc bấy giờ Mỹ Long được Tỉnh ủy chọn làm điểm mà do hội tụ được 02 yếu tố: Thứ nhất, với tính chất là huyện căn cứ ven biển, có phong trào mạnh, đã xây dựng được lực lượng bán vũ trang và có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh, nên Cầu Ngang được Tỉnh ủy chọn làm trọng điểm chỉ đạo của tỉnh trong Đồng khởi. Thứ hai, cộng đồng các dân tộc Cầu Ngang vốn giàu lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh chống áp bức bất công, chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là xã Mỹ Long - xã có truyền thống cách mạng, đây là một trong hai xã của huyện Cầu Ngang có Chi bộ Đảng đầu tiên từ những năm 1930. Nơi đây cũng đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống cường hào áp bức bóc lột trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng thời là địa phương có phong trào du kích chiến tranh mạnh. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân, dân Mỹ Long ba lần giải phóng xã.

Tuy nhiên trước đó, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1960, tại khu rừng Long Toàn, trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, do đồng chí Trần Văn Long (Mười Dài) – Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ, giao trách nhiệm cho Huyện ủy Cầu Ngang cùng Chi bộ và Nhân dân xã Mỹ Long “Tự lực bằng bạo lực quần chúng, kết hợp vũ trang, binh vận giành cho được chính quyền xã, giải phóng Mỹ Long”. Với nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, trước thời gian Đồng khởi, theo sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy; Huyện ủy Cầu Ngang, và Chi bộ Mỹ Long đã tiến hành từng bước, chuẩn bị lực lượng như: Lập Ban Quân sự xã; tổ chức tiểu đội du kích xã; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bí mật các cấp; tăng cường phát triển tổ chức đoàn thể: thanh niên, nông dân, phụ nữ, hội mẹ…; đưa cán bộ, đảng viên bất hợp pháp bám ấp để hoạt động, giáo dục, học tập và tổ chức nắm chặt lực lượng, việc chuẩn bị đó hình thành một bước cơ bản. Bên cạnh đó, chỉ đạo phải ra sức cũng cố và gây dựng cơ sở đều khắp đối với các xã vùng ngoài, nhanh chóng khôi phục chi bộ cơ sở cách mạng đối với các xã vùng trong để đủ sức lãnh đạo phong trào, nhứt là phải đủ sức tập trung tấn công vào đầu não địch.

Song song với xây dựng lực lượng bên ngoài, Huyện ủy tích cực chỉ đạo gầy dựng cơ sở trong lòng địch; chỉ đạo đẩy mạnh diệt ác, vũ trang tuyên truyền và dùng nhiều hình thức để cổ động phong trào quần chúng. Ngoài hình thức tuyên truyền lẻ tẻ trực tiếp, huyện sử dụng hình thức mittinh, từ mittinh ở các ấp xa tiến đến tổ chức các cuộc xung quanh đồn tề xã và từ mittinh ban đêm, tiến tới tổ chức mittinh ban ngày ở những ấp có điều kiện. Chỉ đạo diễn tập khởi nghĩa trong quần chúng như phát động quần chúng dùng vũ khí thô sơ diệt ác, đánh địch, đưa đấu tranh chính trị trực diện tập trung qui mô. Trên cơ sở đó, Chi bộ Mỹ Long tiến hành từng bước, chuẩn bị lực lượng. Đối với bản thân các đồng chí trực tiếp chỉ đạo Đồng khởi Mỹ Long khi đó là đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm), Nguyễn Đức Toàn (Tư Toàn), Hai Tích… đều rất phấn khởi nhưng cũng rất lo lắng, vì nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng các đồng chí vẫn tin tưởng làm được. Ban Chỉ đạo Đồng khởi Mỹ Long đã thông qua kế hoạch hành động gồm 3 phương án: tổ chức lực lượng đấu tranh chính trị, phương án tiến công quân sự, phương án phối hợp nội tuyến và tuyên truyền binh vận. Đêm 13/9/1960, rạng sáng ngày 14/9/1960, người dân Mỹ Long hầu như không ngủ, người người nổi trống mỏ, cầm vũ khí thô sơ, hô khẩu hiệu tiến về địa điểm tập trung của xã, mittinh, mở đầu cuộc Đồng khởi. Chiều 14/9/1960, từng tốp người mang theo băng, cờ, biểu ngữ, vũ khí thô sơ… khí thế hăm hở xung trận. Lực lượng du kích, dân quân chia làm hai cánh bao vây đồn, trụ sở tề xã Mỹ Long. Đồng thời ta dùng loa kêu binh sỹ ra hàng, giao nộp vũ khí và chính quyền cho cách mạng, về với Nhân dân. Phần lớn binh sĩ tỏ ra hoang mang, muốn tìm cách bỏ đồn về với người thân nhưng bọn chỉ huy lại rất ngoan cố. Trong đêm 14/9/1960, địch tăng cường phòng thủ, du kích tiếp tục tấn công, ném lựu đạn, bắn tỉa làm tiêu hao quân địch. Ngày 15/9/1960, lực lượng ở đây quyết tâm xông vào vây chiếm bót. Trước khí thế hừng hực của quần chúng, quân địch phải đầu hàng. Đồn Mỹ Long bị san bằng, bộ máy chính quyền tay sai ở Mỹ Long bị xóa sổ. Du kích Mỹ Long bắt tù binh và thu vũ khí, giành thắng lợi hoàn toàn. Mỹ Long là xã đầu tiên được giải phóng cùng với tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn chống Mỹ.

Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi Mỹ Long, đã khơi dậy lòng nhiệt quyết, điểm tựa quan trọng, và là cơ hội để cho các xã khác trên địa bàn huyện Cầu Ngang nổi dậy đồng khởi. Tính chỉ hơn 10 ngày, các xã trên địa bàn huyện được tỉnh chọn làm mảng điểm đồng khởi toàn tỉnh, đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đảng bộ huyện Cầu Ngang đã thực hiện đúng quyết tâm và yêu cầu của Tỉnh ủy Trà Vinh giao phó làm tròn sứ mệnh lịch sử: giải phóng các xã, giành chính quyền về tay Nhân dân. Đối với xã Mỹ Long, bằng chính sức mạnh của mình Chi bộ và Nhân dân trong xã đã giành thắng lợi và đi vào lịch sử trong những trang chói lọi; người dân Mỹ Long còn tự hào sáng tác ra bài ca Kim Tiền Huế ngợi ca truyền thống ấy trong các cuộc hội họp, lễ hội, trong lao động ở địa phương.

Đặc biệt, Đồng khởi Mỹ Long ngày 14/9/1960 là một chiến công lừng lẫy, một mốc son chói ngời trong lịch sử và là niềm tự hào của các thế hệ cư dân Mỹ Long nói riêng, của huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nói chung. Cuộc nổi dậy quy mô đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu nước, tinh thần dũng cảm của quân dân Mỹ Long, trong khó khăn gian khổ vẫn kiên định, tin vào Đảng, tin vào cách mạng tất cả vì một mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chiến công Đồng khởi 14/9/1960 còn là một truyền thống lịch sử vẻ vang đáng tự hào của Đảng bộ và quân, dân Mỹ Long. Truyền thống đó tạo nên do công sức, sự cống hiến xương máu của đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ cách mạng và đồng bào qua quá trình cách mạng vun đắp lên. Đồng thời cũng là công sức lãnh đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, Huyện ủy Cầu Ngang, đặc biệt là sự hy sinh của các đồng chí: Tư Pháo, Ba Nhiên và Lê Thị Bảy (Chín Bẩm). Để ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc Đồng khởi năm 1960. Năm 1998, Ban Thường vụ Huyện ủy có chủ trương xây dựng “Bia Đồng khởi Mỹ Long” và hoàn thành vào năm 2000, với diện tích 1.787m2 ; hiện nay trên bảng vàng ghi tên 66 liệt sĩ là người con quê hương Mỹ Long (nay là xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long), đây là một minh chứng lịch sử cho Mỹ Long vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Di tích lịch sử Đồng khởi Mỹ Long, khóm 1 thị trấn Mỹ Long, được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2019.

Lịch sử đã ghi nhận, phong trào Đồng khởi với niềm tự hào không chỉ của người dân Cầu Ngang, mà còn của toàn tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong cả nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, và đặc biệt là thế hệ trẻ cần giữ gìn và phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn phong trào, để những trang sử vẻ vang của dân tộc được viết tiếp không ngừng với những chiến công mới, thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Huyện ủy Cầu Ngang

Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 97
  • Trong tuần: 2 307
  • Tất cả: 3755563
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner