Mô hình kinh tế trang trại hiệu quả của nông dân Cầu Ngang
Hưởng ứng phong trào nông dân làm kinh tế giỏi nhằm phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, nhiều nông dân huyện Cầu Ngang đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Trong đó, mô hình trang trại tổng hợp của nông dân Trần Văn Đực, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang là một trong những điển hình trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi heo trang trại kết hợp với nuôi cá của nông dân Trần Văn Đực

Sau nhiều năm phát triển mô hình trang trại tổng hợp, đến nay nông dân Trần Văn Đực, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang đã có khoảng 15ha đất nuôi tôm công nghiệp, trang trại heo với 420 con sinh sản và 700 heo thịt kết hợp với nuôi cá các loại, tổng thu nhập hàng năm lên đến vài tỷ đồng. Qua trao đổi, ông Trần Văn Đực cho biết, sau khi lập gia đình ông tự lập ra riêng với nghề nuôi heo sinh sản, heo thịt. Cùng với nghề nuôi heo, ông mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thủy sản và thức ăn gia súc, thủy sản vừa giảm chi phí trong chăn nuôi vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi tích cóp được số vốn, ông mua đất ở xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang mở trang trại nuôi heo cho đến nay. Nhờ khéo léo kinh doanh, chịu khó học hỏi, đúc kết kinh nghiệm trong chăn nuôi ông đã đưa mô hình kinh tế trang trại tổng hợp lên trên 04ha. Đặc biệt năm 2019, bị ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đàn heo nuôi không bị ảnh hưởng nên ông duy trì đàn nuôi đến tháng 5/2020 xuất bán 5.000 con, lợi nhuận không nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh. Khoảng 05 tháng gần đây, giá heo tăng cao, gia đình ông có nguồn thu lớn, hiện nay ông đã đầu tư mở rộng xây dựng thêm 03 trại nuôi heo cai sữa, heo sinh sản với tổng đàn hiện có 1.120 con heo con, heo thịt, heo nái. Với 420 heo nái sinh sản bao nhiêu, nếu được giá ông bán heo con, còn ngược lại ông để nuôi heo thịt, bình quân xuất bán khoảng 500 con/tháng heo con, heo thịt, giá heo dao động từ 07 - 09 triệu đồng/tạ, bình quân lợi nhuận 01 tỷ đồng/tháng. Cùng với mô hình nuôi heo trang trại kết hợp với nuôi cá các loại, ông có nguồn thu khá nhưng nguồn thu từ nuôi cá ông bù vào tiền công của 09 lao động, thu nhập từ 06 - 08 triệu đồng/tháng/lao động.

Mô hình nuôi tôm theo công nghệ trải bạt bờ của nông dân Trần Văn Đực

Ngoài việc phát triển trang trại heo, ông còn áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ với hình thức trải bạt bờ và ống dẫn ô-xy đáy ao,… trên diện tích 11ha. Theo ông Đực, kinh tế chính của gia đình dựa vào nghề nuôi heo trang trại kết hợp với kinh doanh thuốc, thức ăn thú y. Nhờ nguồn thu nhập này, 16 năm trước, ông mua 2,5ha đất lúa đào ao nuôi tôm sú tại ấp La Bang, xã Long Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm đầu chuyển đổi tôm luôn đạt sản lượng cao, lợi nhuận hàng năm vài trăm triệu đồng, có năm lên đến hơn 01 tỷ đồng. Nhận thấy nghề nuôi thủy sản có rủi ro cao nhưng nhanh làm giàu, ông tiếp tục mua thêm 8,5ha đất mở rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng và đầu tư kinh doanh thêm mặt hàng thức ăn thủy sản. Với 11ha đất nuôi tôm, ông thiết kế 06 ao nuôi, 08 ao lắng, còn lại xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải. Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm khó khăn, giá tôm biến động, thiên tai, dịch bệnh,… nên vụ nuôi năm 2020 ông thả nuôi 06 ao tôm thẻ, sản lượng đạt 13 tấn, giá bán 73.000 đồng/kg (100 con tôm/kg), lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, hiện ông đang cải tạo ao nuôi chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Được biết, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Văn Đực là mạnh thường quân tích cực đóng góp thường xuyên vào quỹ an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Với ông Đực, để có được tài sản đóng góp vào công tác xã hội phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông đã trải qua những tháng năm cực khổ vượt khó vươn lên trở thành hộ giàu. Với tinh thần tương thân tương ái, trong gần 10 năm qua, ông Trần Văn Đực đã giúp không ít hộ nghèo, học sinh nghèo vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống. Mặc dù không tham gia công tác ở các ngành đoàn thể hay tổ chức xã hội của địa phương, nhưng ông Trần Văn Đực đã đóng góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ địa phương xây dựng đường nông thôn, nhà ở, học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, hộ nghèo. Với những đóng góp đó, ông Trần Văn Đực đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào khuyến học khuyến tài và phong trào thi đua yêu nước… mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của ông Trần Văn Đực, cùng với câu chuyện vượt khó làm giàu và tích cực đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của địa phương sẽ là động lực để các hộ nông dân trên địa bàn huyện Cầu Ngang không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, xây dựng một cuộc sống ấm no, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Quang Minh

 
Bản đồ hành chính







Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 243
  • Trong tuần: 30 211
  • Tất cả: 3720728
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner