Nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên của tổ chức Đoàn trong giai đoạn hiện nay
Trong những năm qua các cấp bộ Đoàn đã tham mưu đề xuất với Ðảng, Nhà nước ban hành Luật Thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên; triển khai nhiều chương trình, dự án về hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, từ đó hoạt động của các cấp bộ Đoàn nói chung và các cấp bộ Đoàn trong huyện nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng và số lượng đoàn viên, thanh niên được nâng cao, các phong trào ngày càng được quan tâm, chú trọng và triển khai rộng khắp.

Buổi sinh hoạt chi đoàn ấp Long Hanh, xã Long Sơn

Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), Ban Thường vụ Huyện đoàn đã xác định nhu cầu cấp thiết của ĐVTN hiện nay là thành lập các mô hình kinh tế trong thanh niên để tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, củng cố tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện. Từ đó đề ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp thông qua thực hiện mô hình củng cố nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn gắn với hỗ trợ, định hướng cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Hiện toàn huyện có 01 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác, 05 mô hình kinh tế và 01 Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp cấp huyện hoạt động tương đối hiệu quả có khả năng nhân rộng. Trên cơ sở đó Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện chủ trương 1 + 1 (mỗi đoàn viên vận động 01 thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội) thông qua các mô hình kinh tế và các hoạt động tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong câu lạc bộ. Nhìn chung, từ việc thành lập mô hình phát triển kinh tế đã nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, thu hút ĐVTN, từ đó việc thực hiện chủ trương 1 + 1 bước đầu đạt được hiệu quả, không những giúp cho các cuộc sinh hoạt lệ chi đoàn, các phong trào tình nguyện ở địa phương đông hơn về số lượng mà còn giúp thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế. 

Cùng với việc định hướng, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Huyện đoàn còn triển khai mô hình vận động ĐVTN tham gia phong trào đi xuất khẩu lao động. Thông qua nhóm Zalo chia sẻ thông tin xuất khẩu lao động, nắm được nhu cầu đề xuất của thanh niên trong nhóm, từ đó phối hợp các ngành liên quan có những đề xuất tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các ngành vận động ĐVTN tham gia tốt các buổi hội thảo đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để khai thác nguồn lao động trong huyện và chuẩn bị nguồn sau khi kết thúc dịch bệnh Covid -19 sẽ đáp ứng được lực lượng đi lao động nước ngoài đạt chỉ tiêu huyện đề ra. 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, cũng như đề ra các giải pháp tăng cường công tác tập hợp, thu hút ĐVTN của tổ chức Đoàn, song thực tế cho thấy chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, điển hình như: tình trạng thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao (54%); chính sách đãi ngộ cho cán bộ Đoàn công tác tại ấp - khóm chưa cao; đa số thanh niên chưa tiếp cận với chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình nên chưa có sự tập trung quyết liệt cho công tác Đoàn; một bộ phận thanh niên chưa tích cực, ngại rèn luyện, thích đua đòi, sống ích kỹ, thực dụng, thờ ơ với sinh hoạt chính trị, không quan tâm đến cộng đồng, thích hưởng thụ nên đã sa vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật; trình độ năng lực, khả năng tập hợp thanh niên của một số cán bộ Đoàn ở cơ sở còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu công tác tập hợp thanh niên, chưa định hướng được những mô hình hiệu quả để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương,…

Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, cần một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác thanh niên; các cấp bộ Đoàn cần chủ động nắm bắt nhu cầu của thanh niên, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động chi đoàn, đoàn cơ sở theo hướng gắn với các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ thanh niên và giải quyết các vấn đề có liên quan đến học nghề, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên…

Hai là, đa dạng hóa loại hình và phương thức tập hợp thanh niên theo sở thích, chuyên môn, nghề nghiệp,...Từng bước chuẩn hóa cán bộ Đoàn cơ sở, chú trọng các tiêu chuẩn về độ tuổi, về trình độ, về phẩm chất chính trị, về kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công tác Đoàn trong giai đoạn mới. Xây dựng ban chấp hành chi đoàn, ban chấp hành đoàn cơ sở, đặc biệt là đội ngũ bí thư chi đoàn, bí thư đoàn cơ sở biết chủ động trong công tác.

Ba là, các cấp bộ Đoàn cần định hướng mô hình cụ thể cho thanh niên mạnh dạn tham gia hoạt động phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thành lập một nhóm trang mạng xã hội hoặc câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp để chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả của thanh niên địa phương khác để thanh niên học hỏi và áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương; tổ chức các hoạt động tham quan mô hình có hiệu quả tạo được lòng tin của thanh niên đối với tổ chức Đoàn, từ đó nâng cao nhiệt huyết phấn đấu của thanh niên để thực hiện; đồng thời các cấp bộ Đoàn phải chủ động vạch ra những ý tưởng, chương trình, định hướng cho thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn dự án và Ngân hàng Chính sách xã hội giúp thanh niên phát triển kinh tế vươn lên khá giàu.

Bốn là, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình chia sẻ thông tin xuất khẩu lao động thông qua diễn đàn Zalo, đồng thời các cơ sở Đoàn cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm và nhiệt huyết trong việc vận động ĐVTN tham gia phong trào đi lao động nước ngoài góp phần giảm nghèo.

Năm là, tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng hiệu quả từ các phong trào tình nguyện làm khơi dây tinh thần nhiệt huyết của thanh niên. Đồng thời, chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên dương các điển hình tiên tiến từ thực tiễn phong trào, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các đối tượng thanh niên. 

Từ định hướng chung ấy, các cấp bộ Đoàn bằng những giải pháp cụ thể và hữu hiệu, tác động vào lý tưởng của ĐVTN, làm cho ĐVTN ngày càng yêu tổ chức, gắn bó và tự nguyện đứng trong tổ chức và cống hiến nhiệt tình cho tổ chức; nhận thấy đi theo tổ chức Đoàn là một định hướng lý tưởng trên con đường lập thân lập nghiệp để tổ chức Đoàn trở thành mái nhà chung cho thanh niên được sống, cống hiến và phát triển.

Tố Như

 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 2 286
  • Tất cả: 3755542
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner