Hội Nông dân huyện Cầu Ngang: Điểm tựa giúp nông dân vượt khó thoát nghèo
Với mục tiêu giúp hội viên nông dân (ND) thiếu vốn sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, Hội ND huyện Cầu Ngang đã khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Quỹ Hỗ trợ ND, vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, xoay vòng… để hỗ trợ hội viên ND phát triển kinh tế, vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để có nguồn thức ăn phục vụ nuôi bò, ông Kim Chênh cắt cỏ dọc tuyến kênh khu vực ruộng lúa của gia đình trong thời gian chờ thu hoạch lúa

Là địa phương thực hiện tốt công tác cho vay, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, Hội ND huyện đã xây dựng các mô hình kinh tế đa dạng ở cơ sở thu hút đông đảo hội viên tham gia. Theo ông Ngô Ràng, Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Ngang, để góp phần đẩy mạnh phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng hiệu quả, hàng năm từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương, tỉnh, huyện, Hội hỗ trợ hội viên ND thực hiện các mô hình sản xuất như trồng màu, nuôi bò sinh sản đến nay với tổng vốn đầu tư 2,86 tỷ đồng. Trong 03 tháng đầu năm 2021, Hội tiếp tục theo dõi, quản lý 11 dự án nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào tương trợ giúp đỡ nhau trong hội viên, các cấp Hội trên địa bàn đã vận động 07 hộ khá, giàu cho 07 hộ nghèo mượn 1,2ha đất sản xuất vụ lúa để trồng màu, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, Hội phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thu hồi nợ 170 hộ với số tiền 5,16 tỷ đồng, đầu tư mới và tái đầu tư cho 162 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 4,92 tỷ đồng; đồng thời huy động hội viên ND tham gia gửi tiết kiệm với số tiền 243 triệu đồng. Song song đó, Hội tổ chức 236 cuộc phát động phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, có 8.660 lượt người dự. Qua phát động, phổ biến có 4.236 hộ đăng ký ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2020, qua bình xét, huyện có 4.599 hộ đạt nông dân giỏi các cấp, chiếm 37,5% hộ đăng ký (12.257 hộ đăng ký). 

Trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, con bò là đối tượng con nuôi được nhiều hội viên ND tập trung phát triển với tổng đàn bò trong huyện hiện có khoảng 42.544 con. Nuôi bò tuy vốn đầu tư con giống ban đầu cao nhưng nhẹ công chăm sóc, thị trường đầu ra, lợi nhuận ổn định, bình quân lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/con. Hội viên nông dân Kim Chênh, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ cho biết: kinh tế trước đây của gia đình ông chủ yếu dựa vào nghề sản xuất 1,5ha lúa, nhưng làm lúa lợi nhuận không cao, năng suất bấp bênh. Sau đó ông đầu tư vào nuôi bò sinh sản, từ bò sinh sản ông tiếp tục nhân giống lên đến nay hơn 10 con. Theo ông Chênh, để có nguồn rơm rạ dự trữ phục vụ nuôi bò, vụ 03 năm nay (vụ lúa đông - xuân) do tình hình hạn, mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, nên ông chỉ sản xuất 0,5ha lúa đông - xuân nhằm hạn chế rủi ro. Sau gần 03 tháng chăm sóc trà lúa phát triển tốt chuẩn bị thu hoạch, năng suất cao, lợi nhuận ước đạt hơn 20 triệu đồng/ha.

Hội viên ND Thạch Sanh, ấp Là Ca B, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang từ hộ nghèo nhờ chí thú làm ăn đã vươn lên thoát nghèo với nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi heo, bò sinh sản. Theo ông Sanh, khởi nghiệp với 0,6ha đất sản xuất nông nghiệp cha mẹ cho lúc ra riêng. Sau đó, ông nhận thấy vì điều kiện đất ít, làm lúa thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên ông chuyển đổi đất lúa sang luân canh lúa - màu kết hợp nuôi 05 con heo nái. Khi heo sinh sản ông đầu tư để nuôi heo thịt, thời gian đầu lập nghiệp do thiếu kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả không cao, thêm vào đó giá heo hơi biến động bất thường, lợi nhuận thấp. Song song đó, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi và hưởng ứng thực hiện phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội ND xã, huyện phát động, ông tham gia vào tổ chức hội và thường xuyên tham gia sinh hoạt tổ, nhóm và học hỏi nhiều kiến thức sản xuất đầu tư vào nuôi heo, bò sinh sản, bò vỗ béo. Nhờ thực hiện chuyển đổi đất gò cao sang trồng cỏ nuôi bò sinh sản và bò thịt nên kinh tế gia đình ngày càng khá giả, bình quân hành năm ông xuất bán trên 40 con heo con và 03 - 04 con bò thịt, thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, ông đã mua thêm đất canh tác, đến nay gia đình ông đã sở hữu 1,6 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn hỗ trợ kỹ thuật và vận động hội viên trong ấp tự lực vươn lên thoát nghèo.

Ông Ngô Ràng cho biết: để hỗ trợ hội viên ND phát triển sản xuất, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội trong huyện phát động đăng ký, xây dựng mô hình, hội thảo, tổ chức cho hội viên đi tham quan học tập kinh nghiệm, tạo vốn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, giúp hội viên nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Từ phong trào trên đã nổi lên nhiều gương nông dân tiêu biểu, mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Hiệp Hòa, Mỹ Hòa; mô hình tổ hợp tác đi lên hợp tác xã tại Mỹ Hòa, Mỹ Long Bắc và các mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo do Hội quản lý... 

Thanh Nguyên
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 45
  • Trong tuần: 2 255
  • Tất cả: 3755511
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner