Thay đổi phương thức chăn nuôi trước dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò
Với đàn bò hiện có hơn 50.000 con chiếm 1/4 tổng đàn bò toàn tỉnh, Cầu Ngang được xem là “thủ phủ bò” của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho rằng, con bò không chỉ xóa nghèo mà còn là con nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, ổn định, bền vững trong mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Cầu Ngang. Tuy nhiên, chăn nuôi bò theo tập quán truyền thống hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Từ dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã đặt ra tư duy mới cho công tác quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhất là nông dân về thay đổi phương thức chăn nuôi trong giai đoạn mới!

Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang đến kiểm tra đàn bò bệnh diêm da nổi cục hộ Thạch Dương ấp Nô Lựa A, xã Nhị Trường và hộ chị Thạch Thị Si Pha, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ

Trong cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, con bò được xem là con nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững của nông dân. Trong 15/15 xã, thị trấn ở Cầu Ngang nghề nuôi bò hình thành và phát triển từ lâu. Đặc biệt, vùng đất giồng cát các xã vùng dân tộc Khmer như: Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Kim Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ,... con bò là “cứu cánh” góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định thu nhập vươn lên khá giả của hàng ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên, trước tác động bất lợi của BĐKH, sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, trong đó có nuôi bò đang đứng trước nhiều thách thức bất lợi. Cụ thể, trước dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò lan rộng trên địa bàn tỉnh; trong đó có Cầu Ngang gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng cho người chăn nuôi. Trong chuyến công tác kiểm tra thực tế phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tại xã Nhị Trường, Trường Thọ, Bí thư Huyện ủy Trần Thị Kim Chung và Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang tiếp nhận nhiều thông tin, kiến nghị của các hộ chăn nuôi. Theo đó, nhiều hộ nông dân đề nghị Nhà nước tích cực hỗ trợ tiêm phòng, hướng dẫn các biện pháp phòng trị dịch bệnh cho đàn bò, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ông Thạch Dương ấp Nô Lựa A, xã Nhị Trường có kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi bò sinh sản, bò lấy thịt cho biết: Trong những năm qua nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình được ngân hàng CSXH huyện cho vay ưu đãi 80 triệu đồng nuôi 08 con bò. Những năm trước đây đàn bò luôn mạnh khỏe, hàng năm xuất chuồng 4-5 con, lợi nhuận mang lại từ 60 đến 70 triệu đồng/năm. Năm nay, dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện đàn bò 08 con của gia đình có 03 con bị bệnh, trong đó có 01 con đã chết, gây thiệt hại kinh tế hàng chục triệu đồng. Tương tự, đàn bò 09 con của chị Thạch Thị Si Pha, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ cũng có 3 con bị dịch bệnh viêm da nổi cục tấn công. Nhờ cán bộ kỹ thuật huyện, xã hỗ trợ phòng trị kịp thời nên dịch bệnh trên đàn bò được khống chế, không thiệt hại nhiều. 

Từ thực tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tại xã Nhị Trường, Trường Thọ, Bí thư Huyện ủy Trần Thị Kim Chung chỉ đạo, ngành nông nghiệp và các xã thực hiện tốt hơn nữa công tác tiêm phòng, vận động người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại. Đối với các địa phương xảy ra dịch bệnh phải quản lý, khoanh vùng chặt chẽ; cắt đứt vùng dịch không để lây lan diện rộng. Lập các chốt kiểm dịch, quản lý kiểm soát ngay từ đầu việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn. Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh diêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ngà, cho rằng: Đối với nông dân nghèo vùng sâu, vùng dân tộc Khmer con bò được xem là vật nuôi truyền thống, là cả tài sản, cho thu nhập kinh tế ổn định. Trong những năm qua con bò đã góp phần xóa nghèo có hiệu quả trong vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Do đó, các xã Long Sơn, Nhị Trường, Kim Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Vinh Kim, Trường Thọ, Thuận Hòa, Hiệp Mỹ Đông; trong đó, xã Trường Thọ và Nhị Trường là địa phương có số bò mắc bệnh cao nhất, tăng cường công tiêm phòng vắc-xin miễn phí cho hộ chăn nuôi bò; phát động hộ nuôi tiêm vắc-xin theo hình thức xã hội hóa. Điều đặc biệt cần quan tâm thời gian tới là từ dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã đặt ra tư duy mới cho công tác quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhất là nông dân về thay đổi phương thức chăn nuôi trong giai đoạn mới! Chăn nuôi bò theo tập quán truyền thống hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh trước tác động bất lợi của BĐKH. 

Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, thông tin: Hiện nay trên địa bàn huyện có 211 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, với tổng đàn 634 con của 114 hộ nuôi trên địa bàn 12/15 xã, thị trấn. Trong đó, chết 12 con, chữa khỏi bệnh 76 con, đang điều trị 123 con. Để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh viên da nổi cục trâu, bò, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở tích cực hỗ trợ, giám sát, kịp thời phát hiện, khoanh vùng ổ dịch và vận động người dân tiêm vắc xin phòng bệnh. Đến nay, huyện đã tiêm được 36.710 con/43.790 con; phun xịt được 10.160 hộ, 24.459 con bò, diện tích 860.400m2, sử dụng 558 lít thuốc sát trùng...

Đình Cảnh
1 2 3 4 5  ... 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 1 369
  • Tất cả: 3756422
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner