Cầu Ngang: Quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer
Cầu Ngang là một trong những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Trà Vinh, trong đó dân tộc Khmer chiếm 35% dân số, tập trung chủ yếu ở 8 xã: Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Thuận Hòa, Mỹ Hòa và Kim Hòa. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã dồn sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, từ đó làm cho diện mạo vùng đồng bào dân tộc ở huyện Cầu Ngang ngày thêm khởi sắc. 

Đường giao thông nông thôn tại ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa

Để triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc, huyện Cầu Ngang đã triển khai, quán triệt tốt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Từ đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống người dân trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ngày một khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, 100% ấp có điện lưới quốc gia, có 99,1% hộ sử dụng điện; 95% hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; hệ thống giao thông thông suốt thuận tiện đi lại của người dân; có 7/8 xã vùng có đông đồng bào dân tộc có chợ đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Hình thành được 255 tổ hợp tác sản xuất và vay vốn, có 3.217 hộ dân tộc Khmer tham gia; xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Nhị Trường, Trường Thọ, Hiệp Hòa, Kim Hòa, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn. Mô hình chuyển cây màu xuống chân ruộng vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển gắn với nhu cầu của thị trường như: ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa; ấp Tụa, Ba So, Nô Lựa B, xã Nhị Trường; ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa; ấp Bào Mốt, Sóc Mới, xã Long Sơn;... Ngoài ra, huyện có làng nghề Cốm Dẹp Ba So, xã Nhị Trường; bánh Tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, trong đó có sản phẩm bánh tét 3 màu và bánh tét bồ ngót của hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý đạt OCOP 4 sao;... hiện hoạt động hiệu quả, giải quyết cho nhiều lao động nông thôn chưa có việc làm. Trên địa bàn huyện có 1.956 hộ nông dân Khmer đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu từ sản xuất nông nghiệp. 

Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc được đẩy mạnh, đến nay kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc đã chuyển biến đáng kể, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm, riêng đối với các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4%/năm, hiện tỷ lệ hộ nghèo (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg) còn 220 hộ, chiếm 1,70%; hộ cận nghèo còn 2.815 hộ, chiếm 7,53% so với tổng số hộ Khmer toàn huyện. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát triển, các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp được tôn trọng và phát huy, tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống ngày càng gắn bó giữa các dân tộc. Toàn huyện có 2 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (chùa Căn nom, xã Trường Thọ và chùa VelLac, xã Thạnh Hòa Sơn); có 8 đội bóng đá, 8 đội bóng chuyền, 1 đội ghe Ngo; quan tâm củng cố các dàn nhạc ngũ âm, đội Chradam, đội múa Rô Băm và đội văn nghệ quần chúng,… Song song đó, cơ sở vật chất văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, hiện có 7 hội trường đa năng và 53 nhà văn hóa, khu thể dục - thể thao các ấp..., đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động thể dục thể thao của đồng bào dân tộc. Phong trào xây dựng ấp, gia đình văn hóa và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng văn minh ngày càng được sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer hưởng ứng tích cực; đã có 14 chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận và tái công nhận là cơ sở tôn giáo tín ngưỡng văn minh; 46 ấp có đông đồng bào dân tộc được công nhận ấp văn hóa... Đặc biệt, với những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, hiện các xã Kim Hòa, Hiệp Hòa, Mỹ Hòa đã thực hiện tốt Chương trình 135 của Chính phủ và đạt chuẩn xã văn hóa - nông thôn mới.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trọng tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc. Các xã trong vùng có đông đồng bào dân tộc đều có điểm trường ở các cấp học và huyện có 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS; việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển; tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer bỏ học hàng năm được kéo giảm. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vận động các tổ chức, cá nhân khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người, hiện toàn huyện có 8/8 xã có đông đồng bào dân tộc đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc từng bước được củng cố; hiệu lực quản lý, năng lực điều hành ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm, hiện toàn huyện có 963 đảng viên, 539 cán bộ, công chức là người dân tộc và 65 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc cơ bản ổn định, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc được giữ vững.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/HU ngày 15/11/2021 về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy Trà vinh “Về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó, Kế hoạch đã đề ra một số mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer từ 3 - 4%/năm; phấn đấu cơ bản không còn ấp đặc biệt khó khăn… Bên cạnh đề ra nhiều giải pháp để tập trung phát triển kinh tế xã hội, triển khai và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng trong Nhân dân; tranh thủ các nguồn, các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo… Tin tưởng rằng, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cầu Ngang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn để phát triển toàn diện, xây dựng đời sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Phú Lũy
1 2 3 4 5  ... 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 1 380
  • Tất cả: 3756433
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner