Cầu Ngang: Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình thương bao la ấy của Người là bài học vô cùng quý giá, không chỉ trong đời sống chính trị mà đã trở thành đạo lý, đạo đức xã hội trong cuộc sống của chúng ta. 

Khi nói về công tác thương binh - liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu”…, “Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con người anh dũng ấy”... Người nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu những mất mát lớn lao này, Người luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh - liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thể chế hóa thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh - liệt sĩ, phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt vào tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị của Người, tại hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ và từ đó đến nay, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày cả nước tri ân với thương binh và thân nhân liệt sĩ.

Lễ bàn giao nhà tình nghĩa tại thị trấn Mỹ Long

Đối với huyện Cầu Ngang, trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện trên địa bàn huyện có 5.940 trường hợp được xác nhận người có công với cách mạng, gồm: 918 thương binh; 12 bệnh binh; 2.518 liệt sĩ; 95 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; có 389 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 9 mẹ), có 2.008 thân nhân người có công được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước và thân nhân của liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ... Trong những năm qua, thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, quân, dân trong huyện đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình người có công, được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ban hành nhiều kế hoạch về thực hiện chế độ chính sách đối với người có công cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những nội dung mới ban hành liên quan đến đối tượng chính sách; thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến; hướng dẫn khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngoài thực hiện tốt việc trao quà của Chủ tịch nước tới các đối tượng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Chỉ đạo hoàn thành tốt việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách theo đúng quy định; thực hiện tốt việc quy tập hài cốt liệt sĩ, đến nay đã rà soát, hoàn thành và có nơi chôn cất ban đầu trên 1.200 liệt sĩ; tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ... Điển hình trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã giải quyết và chi trả trợ cấp cho 5.250 lượt đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, số tiền trên 8 tỷ đồng; tặng quà cho 5.005 lượt người có công, thân nhân người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán 2023, với số tiền trên 1 tỷ 400 triệu đồng; hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công cho 5 đối tượng, số tiền 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng 5 căn nhà tình nghĩa từ nguồn xã hội hóa (đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy vận động); hàng tháng các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng hiện đang còn sống…

Đối với những gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện khi được các ban, ngành, đoàn thể của huyện đến thăm, tặng quà đều phấn khởi: Bày tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo huyện, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hứa tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xây dựng và phát triển địa phương. Điều đáng quý là các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, các gia đình chính sách, gia đình cách mạng đã gương mẫu xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”. 

Năm 2023, kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), chúng ta có dịp cùng nhau ôn lại những lời căn dặn của Người về công tác thương binh - liệt sĩ, về đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” để không chỉ làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh, mà thông qua những hoạt động này còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cũng là những việc làm thiết thực nhất trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phú Lũy
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 1 650
  • Tất cả: 3757218
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner