Cầu Ngang một nhiệm kỳ nhìn lại!
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 - 2020, tuy trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cầu Ngang với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhìn lại 5 năm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, trân trọng những thành quả đạt được, Đảng bộ Cầu Ngang tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đưa Cầu Ngang trở thành địa phương phát triển khá của tỉnh.

Cầu Ngang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Nhưng được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống của người dân. Các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh được triển khai trên địa bàn đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 16.876 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với giai đoạn 05 năm trước. Trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong nhiệm kỳ đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.542 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Diện tích trồng lúa tuy có giảm do chuyển sang nuôi thủy sản và trồng màu, nhưng vùng lúa chất lượng cao và diện tích cánh đồng lớn được mở rộng 13.903 ha mô hình lúa chất lượng cao; 3.344 ha lúa cánh đồng lớn. Sản lượng lúa bình quân đạt 164.500 tấn/năm, tăng 1,96% so với nhiệm kỳ trước, riêng năm 2020 ước đạt 177.540 tấn (vượt nghị quyết 9,8%). Điểm nổi bật nhằm từng bước chuyển dịch dần từ sản xuất lúa gạo thông thường sang sản xuất lúa gạo sạch, thân thiện môi trường, huyện phát triển nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất 01 ha lúa hữu cơ năng suất đạt 4 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 20,8 triệu đồng/ha. Sau cây lúa, sản xuất màu tiếp tục phát triển, tổng diện tích gieo trồng bình quân 18.300ha/năm, tăng hơn 46% so nhiệm kỳ trước và vượt nghị quyết 22%, một số loại cây màu có giá trị kinh tế được mở rộng đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Điển hình lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/ha; dưa hấu 20-30 tấn/ha lợi nhuận 30 -50 triệu đồng/ha, các cây màu khác lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. Ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá cả thị trường, dịch bệnh, tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nên đàn vật nuôi được duy trì và tăng so cùng kỳ, nhất là đàn bò phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, có khoảng 51.000 con, trong đó bò lai hướng ngoại chiếm khoảng 90-95% tổng đàn; đàn heo có khoảng 115.000 con, trong đó mô hình nuôi heo an toàn sinh học quy mô trang trại được phát triển; đàn gia cầm 1,4 triệu con.

Ban Thường vụ Huyện ủy tham quan mô hình sản xuất màu thuận thiên 3 vụ/năm xã Long Sơn và mô hình nuôi tôm lót bạt siêu thâm canh công nghệ cao của ông Lê Văn Tích xã Hiệp Mỹ Đông

Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng; sản lượng bình quân đạt 61.626 tấn/năm, tăng gần 16% so nhiệm kỳ trước. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng được xác định là con nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 26.443 tấn/năm, tăng 1,42 lần, đặc biệt tôm thẻ chân trắng tăng 2,2 lần so nhiệm kỳ trước. Điểm nổi bật đáng ghi nhận nhiều nông dân áp dụng có hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao Viet Gap, điển hình như nông dân Lê Văn Học xã Thạnh Hòa Sơn mở ra hướng đi mới trong nâng cao chất lựợng tôm thương phẩm xuất khẩu. Và hàng trăm nông dân chuyển đổi có hiệu quả mô hình nuôi tôm ao đất truyền thống sang nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao mang lại hiệu quả cao thay dần cho việc nuôi ao đất truyền thống trước đây. Ông Lê Văn Tích một trong những nông dân nuôi tôm cấp tiến xã Hiệp Mỹ Đông có hơn chục năm nuôi tôm ao đất truyền thống, 3 năm gần đây chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao lót bạt chỉ với 2.400m2, lợi nhuận mang lại hơn 1,5 tỷ đồng, gấp 7- 10 lần so với nuôi ao đất truyền thống trước đây. Ông Lê Văn Tích chia sẻ: “Từ thời nuôi tôm tới giờ, trước đây mình nuôi ao đất nó bị ô nhiễm, thành công bị hạn chế. Từ đó, tôi đi tham quan nhiều mô hình các tỉnh bạn, thấy mô hình nuôi lót bạt hiệu quả cao, nên tôi đầu tư chuyển sang nuôi tôm lót bạt. Từ ngày nuôi ao bạt đến nay được 5 vụ đều thành công hết. Mỗi vụ lãi 700 triệu đến 800 trăm triệu, 1 năm 2 vụ lãi 1,5 tỷ đồng, thấy hiệu quả rất cao so với ao đất”. 

Với tinh thần năng động, sáng tạo, tùy theo từng vùng sinh thái, người dân trên địa bàn huyện hình thành và phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản đa dạng. Điển hình như nghề nuôi lươn không bùn xã Vinh Kim anh Tô Phước mạnh với 200m2 cho thu nhập 400  triệu đồng/năm. Đây là một trong những mô hình nuôi lươn tiêu biểu đang được các địa phương trong huyện học tập nhân rộng. Lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy - hải sản có bước chuyển biến theo hướng tăng năng lực khai thác xa bờ, phát triển đội tàu khai thác có công suất trên 90CV để thay thế tàu có công suất nhỏ, sản lượng khai thác biển đạt bình quân 28.410 tấn/năm, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hàng năm huyện tổ chức trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ trên bãi bồi ven biển, vận động nhân dân trồng cây phân tán các loại và thực hiện tốt việc chăm sóc rừng phòng hộ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 86,36% diện tích quy hoạch và đạt gần 3% so tổng diện tích tự nhiên. Dưới tán rừng phòng hộ mô hình nuôi vọp, các loại thủy sản khác như cua, sò huyết ngày một phát triển. Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, toàn huyện có 1.157 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.600 lao động. Làng nghề “Khai thác đánh bắt, sơ chế, chế biến thủy sản thị trấn Mỹ Long” và làng nghề “Bánh tét Trà Cuôn”, xã Kim Hòa hoạt động ổn định. Công tác kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay có một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn huyện như: Công ty may Woosung Global Vina tại Vinh Kim; Công ty Sologon đầu tư khu nuôi trồng vi tảo kết hợp điện mặt trời, Công ty TNHH Minh Trân tại xã Long Sơn, xây dựng vùng nguyên liệu xoài đạt chuẩn VietGap... góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn. Cụm Công nghiệp Hiệp Mỹ Tây với quy mô 40 ha đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, đang hoàn thành các bước để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Ban Thường vụ Huyện ủy tham quan tuyến đường hoa  nông thôn mới Mỹ Long Bắc

Nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua là công tác xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện  Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có hoạt động cải thiện cảnh quan, môi trường, chỉnh trang đô thị, toàn huyện xây dựng được 10 tuyến đường “Xanh -Sạch - Đẹp”,chiều dài 30,7 km; 50 tuyến đường “Sáng”, chiều dài khoảng 80km và 43 tuyến đường “Hoa”, chiều dài 73,3 km đã tạo nên nhịp sống mới, hình ảnh mới về đô thị và nông thôn. Với sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị, các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn huyện có 26.800 hộ (chiếm tỷ lệ 78% tổng số hộ) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa - nông thôn mới, tăng 7.284 hộ so với cuối năm 2015; có 49/90 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, nông thôn mới, tăng 23 ấp so với cuối năm 2015. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình gần 350 tỷ đồng; trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương  trên 106 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương hơn 50 tỷ đồng, còn lại vốn huy động khác 13,3 tỷ đồng, vốn lồng ghép 161 tỷ đồng, vốn tín dụng 15,6 tỷ đồng. Đến tháng 6/ 2020, huyện được công nhận 06/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đặc biệt, trong 6/13 xã về đích nông thôn mới, Kim Hòa là xã 135 đầu tiên vùng có hơn 71% đồng bào Khmer của huyện thoát nghèo xây dựng thành công xã nông thôn mới, đây là hành trình vượt khó, là nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị rất đáng trân trọng và biểu dương. Thượng tọa Thạch Rây, Chủ tịch Hội ĐKSSYN huyện Cầu Ngang, nhận xét: “5 năm vừa qua khi Đảng, Nhà nước chưa có chính sách thì đời sống rất khó khăn. Sau khi Đảng có chính sách 135, cất nhà, xây đường, trường, trạm, tạo điều kiện người Khmer xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế gia đình. Riêng xã Kim Hòa có đông người Khmer, 5 năm qua nhiều người thoát nghèo vườn lên nhờ chính sách hỗ trợ vốn và nhiều chính sách  khác làm cho hộ nghèo trở thành hộ khấm khá”.

Song hành với tập trung xây dựng nông thôn mới, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh" ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư. Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm thực hiện; hiện nay trên địa bàn huyện được công nhận nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia chùa Dơi, di tích Đồng khởi Mỹ Long; Di sản phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cúng biển Mỹ Long gắn với Di tích Miễu bà chúa Xứ. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch, huyện kết hợp với các viện, trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn TP.HCM, ngành chức năng xây dựng dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ven biển, Cồn Bần, Cồn Nghêu, Hàng dương gắn với Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân Mỹ Long và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc; tôn tạo và nâng cấp các di tích lịch sử Đồng khởi, văn hóa chùa Dơi, các chùa Khmer cổ...đánh thức tiềm năng du lịch. Một kết quả nổi bật trong 5 năm qua là công tác đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm gắn với xóa nghèo.Trong 5 năm, huyện mở 75 lớp dạy nghề cho 1.359 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 63% so với tổng lao động. Tạo điều kiện giải quyết việc làm mới cho 19.350 lượt lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Thành tích nổi bật trong 05 năm qua là công tác xuất khẩu lao động gắn với xóa nghèo, nhất là xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer đạt nhiều tiến bộ mới. Kết quả huyện đã đưa 203 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,95%/năm, vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,9%/năm. Gia đình ông Thạch Nganne và chị Nguyễn Thị Hạnh, ấp Ba So, xã Hiệp Hòa, Cầu Ngang thuộc diện cận nghèo. Năm 2016, vợ chồng Thạch Nganne được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng cho con Thạch Sa Quan 30 tuổi tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với nghề chế biến thực phẩm. Với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo, Sa Quan chi tiêu tiết kiệm hàng tháng dành dụm hơn 30 triệu đồng tiền lương gửi về phụ giúp gia đình. Chị Nguyễn Thị Hạnh phấn khởi chia sẻ: “Năm 2016 cháu tham gia xuất khẩu lao động 3 năm, nhờ ráng làm cháu gửi tiền về trả nợ vay ngân hàng. Nhờ cần cù hàng tháng lương của cháu khoảng 40 triệu đồng tăng ca thì 50 triệu. Chi tiêu xong cháu còn 25 triệu đồng. Cứ 3 tháng cháu gửi về cho gia đình 100 triệu tôi ra ngân hàng rút. Năm 2019 cất căn nhà này gần 1 tỷ, tiền con gửi về khoảng 800 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, thực hiện kết luận 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy "về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer"; Chương trình 135 của Chính phủ và nhiều chương trình lồng ghép khác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Xây dựng và phát huy tốt vai của người có uy tín, lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, việc dạy và học ngữ văn Khmer, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Ông Thạch Dương, cán bộ hưu trí xã Long Sơn, Cầu Ngang nhận định: “Huyện Cầu Ngang có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hòa cùng tồn tại phát triển.Nhưng đồng bào Khmer khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nói về kinh tế 5 năm qua đời sống kinh tế đồng bào Khmer phát triển rất nhiều. Về văn hóa con em đồng bào Khmer tới tuổi đi học đều được đến trường không bỏ sót đứa nào”. Nhận định 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, ông Trầm Thanh Vân, Nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, đánh giá: “Kinh tế Cầu Ngang là kinh tế nông nghiệp nông thôn, người dân suy nghĩ chuyển đổi tốt cây trồng, nên kinh tế phát triển, thu ngân sách Cầu Ngang đạt kết quả cao hơn so nhiệm kỳ 2010-2015 đó là kết quả kinh tế lớn nhất. Tập trung xây dựng nông thôn mới, trước đây các xã nghèo phấn đấu vươn lên xóa nghèo, tập trung xây dựng mới nên kinh tế phát triển rất tốt”. Thực hiện “Đạo lý uống nước nhớ nguồn” chính sách người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, đến nay huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng 111 danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Trong nhiệm kỳ qua, huyện xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng 1.274 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; hỗ trợ 1.041 căn nhà ở cho hộ nghèo... Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ; tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ. Quy mô, mạng lưới giáo dục ngày càng phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn huyện hiện có 17 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 04 trường so với nhiệm kỳ trước. Chất lượng dạy và học ở các cấp học được nâng lên. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập được quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu nhất là phong trào nuôi heo đất khuyến học phát triển sâu rộng. Hàng năm, Hội Khuyến học huyện vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật trên 10 tỷ đồng hỗ trợ kịp thời cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học có điều kiện tiếp tục học tập. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chuyên môn phục vụ công tác khám và điều trị bệnh. Công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, các dịch bệnh nguy hiểm trên người cơ bản được kiểm soát.

Công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên được quan tâm thực hiện, chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp các cơ quan trực thuộc Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn. Thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả việc tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 85-KH/TU ngày 28/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về thực hiện tinh giảm biên chế tỉnh Trà Vinh năm 2018 và đến năm 2021".  Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Cầu Ngang lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đạt được nhiều kết quả. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đánh giá, nhận diện biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến","tự chuyển hóa" và đề ra kế hoạch khắc phục. Từ đó, ý thức và hành động của của cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống được nâng lên; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện trong sạch, vững mạnh, hàng năm có trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Công tác phát triển đảng viên luôn được các chi, đảng bộ quan tâm thực hiện, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 760 đảng viên, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, tự giác của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Hiện toàn huyện Cầu Ngang đăng ký thực hiện 168 mô hình, trong đó 115 mô hình tập thể, 53 mô hình cá nhân trên các kĩnh vực. Đặc biệt, nhiều mô hình mới được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình “Hùn vốn xoay vòng hỗ trợ hội viên nghèo mua bảo hiểm y tế” của Hội LHPN xã Hiệp Mỹ Tây nhằm để hỗ trợ cho các chị em chưa có bảo hiểm y tế để có bảo hiểm sử dụng trong lúc ốm đau, giá trị của việc tham gia bảo hiểm y tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội vững mạnh, góp phần xây dựng xã Hiệp Mỹ Tây đạt chuẩn xã nông thôn mới. Qua hoc tập làm theo Bác, nhiều cơ quan, đơn vị xác định khâu đột phá, đề ra những giải pháp thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, được nhân dân ủng hộ và ghi nhận. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác được xây dựng và nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Lĩnh vực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được quan tâm. Việc triển khai và quán triệt thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Lực lượng Quân sự và Công an của huyện được xây dựng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vùng biển; giữ vững, củng cố 100% xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn được tập trung lãnh đạo, ứng phó  có hiệu quả thiên tai, mưa bão. Điểm đáng ghi nhận thực hiện hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2020 gắn với kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, Cầu Ngang vận động trên 19,5 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động và góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Từ số tiền này, huyện đầu tư xây dựng gần 17 công trình cầu nông thôn, phòng học và 149 căn nhà đồng đội, tình đồng đội, tình thương, đại đoàn kết, nhân ái, tình nghĩa, nhà khuyến học cho các hộ khó khăn về nhà ở; tặng 15.650 phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo. Đánh giá thành tựu nổi bật 5 năm qua, đồng chí Trần Thị Kim Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cầu Ngang nhận định: “Về Kinh tế giá trị sản xuất tăng bình quân 12,01%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,17 triệu đồng/người, tăng 1,78 lần so với năm 2015. Trong xây dựng nông thốn mới, đến nay trên địa bàn huyện có 6/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng 04 xã là Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2022 Cầu Ngang đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Dân chủ tiếp tục được mở rộng, phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm thực hiện tốt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực”.

Phấn khởi với những thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội đạt được nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Cầu Ngang thẳng thắn nhìn vào sự thật đánh giá những tồn tại hạn chế để đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tích cực nhiệm kỳ mới 2020-2025 với cả tinh thần tiến công. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cầu Ngang Trần Thị Kim Chung, nêu bật: “Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để đưa huyện nhà phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới tư duy trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tranh thủ các nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp của huyện, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, lắp đầy Cụm Công nghiệp Hiệp Mỹ Tây và Long Sơn; tiếp tục đề xuất thành lập Cụm Công nghiệp Mỹ Long Bắc theo quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, tập trung khai thác tiềm năng, xây dựng giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch của huyện. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội; tạo sự chuyển biến tích cực về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn; tăng cường công tác xuất khẩu lao động để tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo của huyện. Tăng cường, củng cố quốc phòng và an ninh, làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời và có hiệu quả các đơn thư tranh chấp, khiếu kiện của công dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện”.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, 5 năm tới, huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của huyện, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững phấn đấu đưa giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt từ 12,5 -13,5%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%; đến năm 2025 còn dưới 3,5%, trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer còn dưới 3,8%,phấn đấu đến năm 2025 đưa Cầu Ngang trở thành địa phương phát triển khá của tỉnh.

Đình Cảnh
1 2 3 4 5  ... 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 1 277
  • Tất cả: 3756743
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner