Mô hình kinh tế đa canh của nông dân Thạch Hết
Những năm gần đây, từ phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Nông dân Thạch Hết (phải) trải màng phủ chuẩn bị xuống giống vụ dưa mới

Bà Thạch Thị Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn cho biết: Long Sơn là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 50,29%, có diện tích tự nhiên 3.091,14ha; đất nông nghiệp 2.916,47ha; đất nuôi trồng thủy sản 951ha; đất chuyên màu 450ha; đất sản xuất lúa 1.200ha; đất trồng cây lâu năm 315,47ha. Nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ buôn bán nhỏ. Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên và người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh vùng trồng màu thâm canh gắn với phát triển gia súc gia cầm, nâng cao thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Vì vậy mô hình kinh tế đa canh cây màu đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của xã ngày càng phát triển. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã Long Sơn khuyến khích nông dân tập trung sản xuất chuyên canh, thâm canh, đi sâu nâng cao năng suất và chất lượng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành được những vùng sản xuất tập trung chuyên canh những cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao... Diện tích xuống giống lúa và hoa màu hàng năm đạt 100% nghị quyết. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng tập trung và nâng cao chất lượng với tổng đàn bò nuôi hiện nay 6.325 con, đạt 100,4% nghị quyết; đàn heo 9.600 con, đạt 106,7% nghị quyết; đàn gia cầm 30.400 con. Thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 102,39% so nghị quyết.

Nông dân Thạch Hết, sinh năm 1962 ở ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn là một trong những nông dân điển hình làm kinh tế giỏi của ấp, dám nghĩ, dám làm, đã áp dụng thành công mô hình kinh tế phù hợp bằng đôi bàn tay và trí óc của mình thu nhập mỗi năm khoảng 80 triệu đồng. Ông Hết cho biết: Với 04 công đất sản xuất, hàng năm ông trồng 01 - 02 vụ mướp trên diện tích 02 công; 02 công còn lại trồng 01 vụ lúa - 01 vụ màu (bí đỏ), lợi nhuận khoảng từ 05 -10 triệu đồng/vụ/công. Song song với cây lúa, cây màu, ông Hết được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay giảm nghèo 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay phát triển 06 con bò sinh sản, bình quân xuất bán 02 con/năm, thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, 03 năm gần đây, gia đình ông Hết được Công ty Cổ phần Solagron (ấp Sóc Mới, xã Long Sơn,) cho mượn 04 công đất để canh tác thêm. Do điều kiện đất triền giồng nên ông Hết thuận lợi sản xuất 03 vụ dưa hấu/năm. Vụ đầu tiên mới vừa qua, với 04 công dưa hấu, sản lượng thu hoạch đạt 08 tấn, lợi nhuận 20 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông Hết đang cải tạo đất trải màng phủ nông nghiệp chuẩn bị cho vụ dưa hấu tiếp theo. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hết giải quyết việc làm cho 05 người lao động tham gia làm đất, xuống giống… thu nhập từ 170.000 - 250.000 đồng/người/lao động. Từ gia đình khó khăn, nay ông Hết đã trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương, đó chính là thành quả cho sự cần cù, nghị lực và những sự cố gắng không biết mệt mỏi của một nông dân. Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế gia đình từ mô hình đa canh là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Mô hình này đã và đang được nhân rộng là hướng đi đúng đắn, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Thạch Minh, Trưởng Ban nhân dân ấp; Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội Nông dân ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn cho biết: Nông dân Thạch Hết là hội viên Hội Nông dân và thuộc diện hộ nghèo của ấp Sóc Giụp, nhờ chí thú làm ăn nay đã thoát nghèo từ năm 2020. Trong quá trình hộ nghèo, ông Hết được hỗ trợ vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác qua tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp với số tiền 25 triệu đồng để sản xuất nông nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong hoàn cảnh gia đình như vậy, là lao động chính trong gia đình, nông dân Thạch Hết đã suy nghĩ, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế, làm thế nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Với ý tưởng muốn thoát khỏi khó khăn, ông Hết tìm tòi, học hỏi và đổi mới cách làm ăn bằng phương pháp trồng đa canh các loại cây màu xoay vòng nhiều vụ trong năm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách làm có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng địa phương, mà các nơi khác đã thực hiện thành công.

Thanh Nguyên
1 2 3 4 5  ... 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 1 254
  • Tất cả: 3756720
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner