Cầu Ngang: Đồng bào dân tộc khmer đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thnây năm 2022 “Vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm”
Năm nay, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer huyện Cầu Ngang diễn ra trong 3 ngày (14,15 và 16/4). Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 còn phức tạp, huyện Cầu Ngang đã chú trọng triển khai các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt để bảo đảm cho đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm 2022 “Vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm”.

Tết Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là Tết đón năm mới của người Khmer là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Người Khmer chờ đón 3 ngày tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được an vui, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ. Hoạt động của ngày tết này kéo dài liên tiếp trong 3 ngày: Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ bố thí cho những người bất hạnh, cơ nhỡ. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc.

Cầu Ngang là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 13.135 hộ, 42.150 nhân khẩu, chiếm 34,7% dân số toàn huyện; có 08 xã vùng đồng bào Dân tộc thiểu số là Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Kim Hòa, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn và Thạnh Hòa Sơn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Những năm qua, các giải pháp về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện đặc biệt quan tâm, đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đạt 50,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,86% (cả huyện giảm 2,05%). Các xã vùng đồng bào Khmer đạt mục tiêu 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa - bê tông hóa, có 58,48% tuyến đường trục nội ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống lưới điện tiếp tục phát triển có 99,6% hộ dân tộc sử dụng điện thường xuyên, 99,22% hộ dân tộc sử dụng nước hợp vệ sinh, có 07/08 xã vùng có đông đồng bào dân tộc có chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia Dự án 2 (Chương trình 135 của Chính phủ) đã triển khai trên địa bàn các địa phương có đông đồng bào Khmer đã tác động tích cực trong thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; đồng thời, tạo điều kiện cho từng địa phương và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí thực hiện 177,982 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 171,661 tỷ đồng, ngân sách địa phương 0,724 tỷ đồng và dân đóng góp 5,597 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2019 đã triển khai xong 260 công trình (233 công trình giao thông, 22 công trình nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng, 05 công trình khác); năm 2020 các xã tiếp tục triển khai 48 công trình, tổng vốn 33,989 tỷ đồng. Về nguồn vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng vốn thực hiện 51,181 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 46,092 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5,089 tỷ đồng. Qua thực hiện ở giai đoạn 2016-2019, triển khai 209 dự án, mô hình phát triển sản xuất, với 2.559 hộ hưởng lợi, số vốn giải ngân 34,334 tỷ đồng; năm 2020 các xã triển khai tiếp tục thực hiện 42 mô hình, dự án, với 549 hộ hưởng lợi, số tiền 9,566 tỷ đồng.

Tết cổ truyền đồng bào dân tộc Khmer năm nay sẽ diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong những ngày qua, nhằm thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện, bên cạnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, Huyện ủy – HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện đã thành lập 05 đoàn đến thăm viếng chùa, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, đương chức là người dân tộc Khmer. Để đồng bào Khmer trong huyện mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2022 “Vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm”, ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các ngành, các xã - thị trấn thực hiện tốt công tác phối kết hợp tổ chức tốt thăm gia đình chính sách, các chùa phật giáo Nam tông Khmer tiêu biểu trong huyện,… Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực tế của huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tổ chức họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2022 đảm bảo an toàn, phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vui tươi, lành mạnh có nội dung phong phú phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc; phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer nhằm phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, nêu cao ý thức tự lực tự cường thi đua lao động sản xuất, tích cực công tác, học tập góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giữ gìn an ninh trật tự trong dịp Chôl Chnăm Thmây năm 2022. Vận động đồng bào phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ gia đình đồng bào Khmer neo đơn, gặp khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện để mọi người, mọi nhà đón mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2022 vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm. 

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer- là tết tràn đầy hy vọng, niềm vui và niềm tin... hướng tới một năm mới may mắn, tốt lành, người người mạnh khỏe, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Hy vọng rằng, trong thời gian tới đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cầu Ngang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường tiếp tục cùng các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, hướng đến mục tiêu cùng Huyện Đảng bộ xây dựng thành công huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bảo Lộc
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 98
  • Trong tuần: 950
  • Tất cả: 3758259
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner