Phụ nữ Bào Mốt thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng tăng lên, đời sống của chị em phụ nữ ấp Bào Mốt, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang ngày càng nâng cao và cải thiện. 

Xã hiện có 09 chi hội với 1.558 hội viên, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chi hội Phụ nữ ấp Bào Mốt luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Sơn: ấp Bào Mốt có 251 hộ, trong này hộ nghèo 14 hộ, hộ cận nghèo 56 hộ (phụ nữ từ 18 tuổi trở lên 221 chị), đời sống chị em chủ yếu chăn nuôi và trồng màu. Tuy nhiên, kinh tế của chị em còn nhiều khó khăn như: thiếu đất sản xuất, chăn nuôi, thiếu việc làm nên phụ nữ đi làm ăn xa nhiều...từ những khó khăn đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác và số lượng phụ nữ tham gia sinh hoạt hội.

Phụ nữ thu hoạch ớt thuê tại rẫy ớt của bà Kiên Thị Thanh Ni, ấp Bào Mốt

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của Hội, trong 05 năm qua, Chi hội phụ nữ ấp Bào Mốt đã tập trung đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững nhằm cải thiện nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo. Chi hội còn chú trọng tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm tăng thu nhập; tranh thủ nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân gần 02 tỷ đồng giúp 68 lượt hội viên phát triển sản xuất, thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo. Song song đó, chi hội tiếp tục duy trì tổ tiết kiệm và vay vốn tạo lòng tin hội viên tham gia, giúp các chị có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Tuy số vốn vay không lớn nhưng đã kịp thời giải quyết khó khăn cho chị em, đặc biệt là nâng cao ý thức tiết kiệm, chi tiêu hợp lý đối với chị em và tạo niềm tin để ngân hàng hỗ trợ vốn sản xuất. Đến nay, có 100% chị em được vay vốn, được hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng vốn đúng mục đích.

Đi đôi với việc đầu tư vay vốn, tiết kiệm tín dụng, chi hội tranh thủ sự hỗ trợ của trên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách thức, phương thức, kỹ thuật để chị em chuyển đổi cơ cấu sản xuất trồng màu, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, lợi nhuận tăng lên 01 - 1,5 lần; vận động chị em thực hiện việc mua bán tập trung tại chỗ cho một đầu mối, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Bà Huỳnh Thị Bê, ấp Bào Mốt từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo bà Bê, với 0,5ha đất sản xuất, do điều kiện đất thấp khô hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa nên hàng năm bà chỉ sản xuất được 01 vụ màu. Những năm trước, bà còn sản xuất được 01 vụ lúa, những năm gần đây tình hình thời tiết biến đổi thất thường, lúc khô hạn, lúc mưa dầm, xung quanh vùng này không có kênh nội đồng cấp và thoát nước, từ đó việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, bà chuyển đổi sang trồng màu  chủ yếu khổ qua, lợi nhuận bình quân từ 60 - 100 triệu đồng/năm/vụ. Với 0,5ha khổ qua vừa qua, bà thu hoạch liên tục 02 tháng, bình quân 500kg/ngày, giá bán 7.500 - 10.000 đồng/kg, tổng lợi nhuận 100 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn nuôi 03 con bò sinh sản, bình quân bán từ 01 - 02 con/năm, thu nhập vài chục triệu đồng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, bà còn góp phần giải quyết việc làm cho 04 phụ nữ trong ấp tham gia thu hoạch khổ qua, thu nhập 200.000 đồng/chị/ngày.

Bà Kiên Thị Thanh Ni, ấp Bào Mốt đã mạnh dạn tiên phong thành công mô hình trồng màu đầu tiên của xã. Do đất ít chỉ 2.000m2 nên mỗi vụ thu hoạch, thu nhập không nhiều. Những năm gần đây, bà trồng rải vụ từ 02 - 03 đợt màu các loại trong năm như ớt, bắp, cà chua thu nhập cao và vươn lên khá giàu. Với diện tích trên, vụ màu năm 2020 - 2021, bà trồng ớt chỉ thiên đầu vụ giá ớt cao khoảng 90.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 110.000 đồng/kg, bà bán được 03 đợt, giá ớt sụt giảm dần tới nay còn 9.000 - 12.000 đồng/kg. Nhờ đầu vụ giá ớt cao, bà thu hoạch liên tục 05 - 06 đợt bán thu hồi vốn và lời khoảng 10 triệu đồng mua phân bón thúc ớt, tuy giá hiện nay giảm nhưng đến cuối vụ bà chắc lời khoảng 30 triệu đồng. Song song đó, gia đình bà còn được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ vốn vay 50 tiệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. Với mô hình kinh tế tổng hợp, 03 năm qua, đời sống kinh tế của gia đình bà đã có bước cải thiện rõ rệt, từ một hộ nghèo của ấp nay đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bào Mốt đã góp phần giảm nghèo cho nhiều chị em ở địa phương, đồng thời nâng cao vai trò vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Với những hiệu quả thiết thực trên, Bào Mốt tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần tăng thu nhập kinh tế và từng bước thoát nghèo bền vững.

Thanh Nguyên

 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 875
  • Tất cả: 3758184
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner