Hạnh Mỹ - vùng đất bội thu mùa dưa hấu
0:00 / 0:00
Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang là địa phương có thế mạnh và tiềm năng phát triển nông - ngư nghiệp. Những năm qua, xã thực hiện hiệu quả việc bố trí cây con phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng tiểu vùng theo hướng chuyển đổi, góp phần đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Dưa hấu cây chủ lựa ở Hạnh Mỹ

Những năm gần đây, đời sống của người dân ấp Hạnh Mỹ nói riêng, của xã Mỹ Long Bắc nói chung được cải thiện đáng kể. Từ khi thực hiện chuyển đổi từ 01 vụ lúa sang trồng 01 vụ lúa - 02 vụ màu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những vùng trồng màu chuyên canh. Nổi bật nhất là vùng chuyên canh dưa hấu, đây là cây trồng chủ lực của người dân ấp Hạnh Mỹ và có lợi nhuận cao sau tết Nguyên đán.

Do là vùng đất thấp, nên người dân chờ kết thúc vụ lúa thu - đông, sau đó xuống giống dưa hấu. Vì thế dưa hấu không kịp phục vụ thị trường trong tết Nguyên đán như những vùng đất khác. Với lợi thế xuống giống trồng dưa hấu trễ, bán trong tháng Giêng nên nông dân luôn được vụ mùa bội thu, đặc biệt đây là vùng đất được người dân địa phương gọi cánh đồng “Cá Trê”, nên dưa hấu trồng ở cánh đồng này phát triển tốt, chất lượng trái to, độ ngọt rất cao được rất nhiều thương lái ở các tỉnh, thành đến thu mua đem bán ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc nên giá bán dưa hấu vào thời điểm sau Tết cao hơn trong Tết, lợi nhuận bình quân đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.

Những ngày cuối năm chúng tôi đến cánh đồng dưa hấu ở ấp Hạnh Mỹ, dọc theo tuyến đường bê - tông vừa trải nhựa là những luống dưa hấu xanh bát ngát. Nông dân Võ Văn Chuẩn, ấp Hạnh Mỹ xuống giống vụ dưa hấu lần này 01ha loại giống dưa hấu Phù Đổng, An Điền và Đại Châu, đây là những loại dưa hấu trái dài, vỏ xanh dày được người tiêu dùng ưa chuộng. Với 01ha dưa hấu, năng suất ước đạt 30 - 40 tấn/ha, giá bán hiện nay 10.700 đồng/kg, lợi nhuận từ 150 - 180 triệu đồng/ha. Theo ông Chuẩn, gần 10 năm nay, khu vực cánh đồng Cá Trê được người dân chuyển đổi trồng chuyên lúa sang trồng màu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây lúa nên hàng năm sau khi kết thúc vụ lúa thu - đông, nông dân đồng loạt xuống giống dưa hấu, vừa có thêm thu nhập cao, vừa hạn chế sâu bệnh gây hại. Kết thúc vụ dưa hấu, nông dân trồng bí đỏ, tiếp đến trồng bắp ăn. So với dưa hấu, bí đỏ, bắp ăn lợi nhuận thấp hơn, do thời điểm trồng bí đỏ và bắp ăn thời tiết biến đổi thất thường, giá bán biến động không ngừng nên nông dân giảm diện tích trồng hoặc để trống đất.

Bố trí cây con phù hợp với từng tiểu vùng

Là xã thuần nông, kinh tế của người dân trước đây chỉ sản xuất được độc canh cây lúa. Tuy nhiên, sản xuất lúa rất vất vả, thường thiếu thường vào vụ hè - thu và chỉ chờ vào nước trời vào vụ thu - đông. Từ đó, xã tập trung đẩy mạnh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, ngư nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. 

Theo đồng chí Phương Thị Thúy Hảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, đến nay toàn xã giống 1.196,1ha  màu các loại, trong đó màu lương thực 142ha (chủ yếu bắp siêu dẻo); màu thực phẩm 580,9ha, trong đó có 204,3ha dưa hấu, còn lại rau củ các loại; màu công nghiệp 473,2ha (bắp giống và đậu phộng). Kế hoạch năm 2024, xã bố trí tiểu vùng 1, nằm phía ngoài Tỉnh lộ 915B, tổng diện tích 120ha tập trung ở 03 ấp Hạnh Mỹ, Bến Kinh và Bến Cát được bố trí chuyên canh thủy sản (nuôi tôm công nghiệp). Tiểu vùng 2, giới hạn nằm trong Tỉnh lộ 915B đến giáp Tỉnh lộ 912 thuộc địa bàn 6 ấp với diện tích 655ha. Trong đó, xã bố trí 20ha sản xuất 01 vụ lúa - 02 vụ màu ở các khu vực đất rọc; 180ha đất bố trí trồng 02 vụ lúa - 01 vụ màu (có 150ha trồng 01 vụ lúa - 02 vụ màu); 60ha bố trí sản xuất chuyên cây màu ngắn ngày và 95ha trồng cây lâu năm trong vườn hộ. Vận động người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại màu. 

Tiểu vùng 3, tiểu vùng này thuộc địa phận 02 ấp Mỹ Thập, Nhứt A, với diện tích 701,86ha. Trong đó, xã bố trí 80ha sản xuất 02 vụ lúa - 01 vụ màu; 180ha sản xuất 01 vụ lúa - 02 vụ màu; 20ha sản xuất chuyên màu ngắn ngày (đậu phộng, ớt chỉ thiên, củ hành tím, rau màu các loại…); bố trí 201,86ha trồng 02 vụ lúa và 30ha diện tích cây lâu năm trồng trong vườn hộ. Đồng thời xã đề nghị về trên hoàn thành các hạng mục nuôi tôm công nghiệp 190ha thuộc khu vực Vĩnh Bình - Mỹ Cẩm. Tiểu vừng 4 thuộc vùng ngoài đê bao của xã thuộc ấp Bến Cát và Bến Đáy B, với tổng diện tích rừng phòng hộ 174,3ha.

Đối với cây lúa, xã bố trí trồng có thời gian sinh trưởng trong khoảng từ 85 - 105 ngày, với diện tích cả năm 1.770ha, sản xuất chủ yếu các loại giống lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường như: OM5451, OM6162, OM18, Cửu Long... Triển khai lịch thời vụ xuống giống đồng loạt ở từng tiểu vùng đúng theo lịch thời vụ của huyện đề ra. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình xuống giống trong nhân dân để có kế hoạch vận hành các cống đầu mối kịp thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.  
Đối với câu màu, xã tập trung chỉ đạo phát triển cây màu trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Chú trọng các loại màu có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định như: đậu phộng, dưa hấu, bắp giống, bí đỏ, ớt chỉ thiên…/. 

Bài: Thanh Nguyên
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 94
  • Trong tuần: 1 679
  • Tất cả: 3757247
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner