Cầu Ngang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, cả hệ thống chính trị huyện Cầu Ngang đã và đang tăng cường thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đem lại cuộc sống bình thường cho Nhân dân. Thì bên cạnh đó, người chăn nuôi trên địa bàn huyện lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đó là sự xuất hiện của dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò. Khó khăn chồng chất khó khăn, một lần nữa các cấp, các ngành, các địa phương và người dân phải tích cực, chủ động tăng cường các biện pháp nhanh chống dập dịch.    

Cầu Ngang hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn huyện

Bệnh VDNC còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây bệnh trên trâu, bò. Bệnh chỉ gây ra đối với trâu, bò, không lây nhiễm sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt (như muỗi, ruồi, ve, mòng...), vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch (giao phối tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo) và qua tiếp xúc trực tiếp.  Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, đến ngày 10/9/2021 dịch bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn huyện đã xuất hiện ở 48 hộ chăn nuôi của 08 xã gồm: Nhị Trường, Long Sơn, Kim Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Trường Thọ, Vinh Kim, Thuận Hòa và Hiệp Mỹ Đông, với 87 con bò mắc bệnh, đã có 03 con bị chết. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện đã ký ban hành Quyết định số 7362/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn huyện cùng các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.   
Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Sau khi dịch bệnh VDNC bùng phát ở một số địa phương trên địa bàn huyện, đơn vị phối hợp Trạm chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh. Thực hiện một số biện pháp phòng bệnh, chăm sóc và xử lý bệnh theo Hướng dẫn số 217/HD-SNN ngày 25/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. Phát động tiêm phòng vắc xin VDNC, hướng dẫn hộ chăn nuôi có gia súc bệnh tự phun xịt tiêu độc sát trùng chuồng trại, phun thuốc diệt côn trùng,…Nhận định, nguy cơ dịch bệnh VDNC lây lan trên địa bàn huyện trong thời gian tới là rất cao, do: Thời tiết nóng, ẩm như hiện nay làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, là môi trường thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển, làm phát sinh dịch bệnh; mặt khác, tình hình chăn nuôi trâu, bò chủ yếu nhỏ lẻ, khó khăn trong công tác quản lý cũng như tiêm phòng vắc xin; bệnh VDNC mới phát sinh nên sự hiểu biết của người nuôi còn hạn chế về đặc điểm truyền lây, triệu chứng và cách phòng, chống bệnh.  

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh: Để phòng bệnh hiệu quả, trước tiên người nuôi tuyệt đối không mua trâu, bò nghi, mắc bệnh VDNC và từ vùng dịch bệnh VDNC; trâu, bò mới nhập đàn cần được cách ly khoảng 28 ngày, không được nhập trâu, bò mới nếu trong khu vực đang có dịch VDNC. Thực hiện chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học; chuồng nuôi phải có mùng, màn ngăn côn trùng; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh. Khi phát hiện trâu bò có triệu chứng mắc bệnh cần cách ly, báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đối với người nuôi cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời đối với trâu, bò nghi bệnh. Trong đó, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe cho trâu, bò như: sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát. Trợ sức, trợ lực để tăng sức đề kháng bằng các thuốc như dung dịch Glucose, Lactate,… (tốt nhất truyền được qua đường tĩnh mạch); các vitamin ADE, B-Complex, C,... (tiêm hoặc hòa vào nước cho uống hàng ngày). Hạ sốt, giảm đau có thể sử dụng các loại thuốc như Anagin, Paracetamol,... Kháng viêm sử dụng các loại thuốc như Dexamethasone (không sử dụng cho trâu, bò mang thai), Ketoprofene, Prednisolone... Sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng như: Amoxicillin, Kanamycin, Oxytetracycline, Penicillin + Streptomycin,... - Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhexin, Cafein... Đối với các vết loét do bệnh VDNC: rửa sạch các vết loét bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, Iodine... sau đó có thể sử dụng các loại kháng sinh mỡ như Oxytetraxycline, Penicillin + Streptomycin… bôi vào vết loét hoặc xịt xanh Methylen. Đối với bê, nghé non thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp. Do đó cần đảm bảo đủ ấm hoặc sưởi ấm cho bê nghé vào mùa đông; giữ chuồng luôn khô sạch; cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Trước diễn biến của dịch bệnh, với mục tiêu triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch nhằm khống chế ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp các ngành, các xã - thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, pa nô áp phích cổ động trực quan có nội dung về phòng chống dịch bệnh VDNC, song song đó hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học. Tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch dự kiến tiêm phòng khoảng 43.790 liều vắc xin trên tổng đàn 48.656 con trâu bò (đến ngày 10/9 đã nhận 20.175 liều vắc xin; 1.600 lít thuốc sát trùng chuồng trại từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đã cấp phát cho 15/15 xã - thị trấn). Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… tại các hộ chăn nuôi có biểu hiệu bệnh, nghi bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, mua bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò. Tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò… 

Trung Kiên
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 157
  • Trong tuần: 1 541
  • Tất cả: 3756717
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner