Bài học kinh nghiệm vụ lúa đông xuân bị thiệt hại do xâm nhập mặn
Vụ lúa đông xuân 2019-2020, trong 5.628 ha xuống giống trên địa bàn huyện Cầu Ngang hiện có hơn 1.740 ha bị thiệt hại do hạn mặn. Khoảng gần 1000 ha diện tích do ảnh hưởng hạn mặn đang đứng trước nguy cơ mất trắng, nông dân bị thua lỗ nặng. Đối với các ruộng lúa bị thiệt hại dưới 30% diện tích, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp có công văn cấp tốc gửi chính quyền các địa phương nỗ lực tập trung cứu  lúa. Giải pháp chủ yếu tập trung công tác bơm tiếp nước vào diện tích bị ảnh hưởng hạn mặn…

Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Tuấn, Phó  Chủ tịch UBND huyện  Nguyễn  Đức  Mậu và các ngành kiểm tra tình  hình  lúa  đông  xuân  thiệt  hại  do hạn  mặn  xã Kim Hòa

Mới đây, Bí thư Huyện uỷ Cầu Ngang ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Mậu và lãnh đạo ngành nông nghiệp, ngành kinh tế - hạ tầng đến kiểm tra, giám sát tình hình lúa đông xuân bị thiệt hại. Ông Lê Văn Phi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cầu Ngang cho biết: Do mặn đến sớm, độ mặn trên các tuyến kênh dao động từ 1,1 đến 1,5 phần ngàn, xâm nhập sâu vào nội đồng nên hiện toàn huyện có khoảng 1.740 ha lúa đông xuân bị thiệt hại, trong này tỷ lệ thiệt hại 30% khoảng 630 ha, thiệt hại 30 đến 70% 650 ha, thiệt hại hơn 70% khoảng 300 ha. Thiệt hại nhiều nhất là xã Kim Hòa, Nhị Trường. Riêng xã Kim Hòa có 1.000 ha, trong này có 250 hộ với diện tích hơn 250 ha bị thiệt hại hơn 70%; 675 hộ với 500 ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%; hơn 450 hộ với diện tích khoảng 300 ha bị thiệt hại dưới 30%. Thực tế kiểm tra, giám sát diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại tại xã Kim Hòa, ông Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang đánh giá: “Do không tuân thủ tốt lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên phần lớn diện tích lúa bị thiệt hại 70% là do xuống giống trễ, nước mặn xâm nhập, nông dân chủ quan không chủ động bơm nước nên dẫn đến bị thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân lúa bị thiệt hại do hạn mặn, một số diện tích bị sâu cuốn lá tấn công, nông dân không chủ động tích cực phòng trị…”. Trực tiếp kiểm tra, giám sát tại xã Kim Hòa, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Bí thư Huyện uỷ Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn chỉ đạo: “Bài học thiệt hại qua vụ lúa đông xuân 2019-2020 cần được rút nhiệm sâu sắc về tổ chức lại sản xuất. Trong đó, vấn đề cơ cấu mùa vụ, lịch xuống giống, qui hoạch, quản lý vùng sản xuất cần được quan tâm tốt hơn. Trước mắt để “cứu” lúa, UBND huyện, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tích cực chủ động vận động nông dân bơm tát, trữ nước khắc phục hạn mặn cứu lúa. Đặc biệt, xã Kim Hòa địa phương có diện tích lúa đông xuân thiệt hại nặng nhất cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về lịch thời vụ, cơ cấu mùa vụ từng vùng, từng khu vực hợp lý. Bởi lẽ, cùng trên một khu vực, liên thông cánh đồng nhưng nhờ chủ động thời vụ xuống giống sớm, tích cực trữ nước, phòng chống hạn mặn, nên diện tích lúa đông xuân xã Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ vẫn phát triển tốt, tỷ lệ thiệt hại do hạn mặn rất thấp. 

Nông dân  Kim Hòa  bơm nước  cứu  lúa  bị  hạn mặn

Nhìn chung, vụ lúa đông xuân 2019-2020 mặc dù ngành chức năng, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện từ đầu vụ dự báo xâm nhập mặn vào mùa khô ở Trà Vinh nói chung, Cầu Ngang nói riêng rất nghiêm trọng, mặn đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, vận động nông dân không mở rộng diện tích sản xuất lúa những nơi đất gò cao, không chủ động nước tưới, nhưng bất chấp khuyến cáo, nông dân trong huyện vẫn mở rộng diện tích canh tác lúa đông xuân 2019-2020 đến 5.628 ha. Theo ước tính ngành chức năng với 1.740 lúa đông xuân 2019- 2020 bị thiệt hại do hạn mặn, nông dân thất thu hàng tỷ đồng. Trước diễn biến hạn mặn thời gian tới vẫn còn nhiều bất lợi cho vụ lúa đông xuân  2019-2020, Sở NN&PTNT Trà Vinh khuyến cáo: Đối với các ruộng lúa bị thiệt hại dưới 30% diện tích, việc cứu cây lúa bị ảnh hưởng hạn mặn chủ yếu là tập trung vào công tác bơm tiếp nước. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra độ mặn trong nước, khi độ mặn dưới 2 ngàn thì nông dân có thể lấy nước vào ruộng, nếu độ mặn trên 2 phần ngàn chỉ cho lượng nước vừa đủ ẩm mặt ruộng tránh tình trạng muối tích tụ vào đất. Đặc biệt tránh cho nước có độ mặn lớn hơn 2 phần ngàn vào ruộng khi lúa ở giai đoạn mạ và trổ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương không đủ điều kiện sản xuất 3 vụ lúa do thiếu nước tưới thì nên sản xuất 2 vụ lúa. Vụ còn lại chuyển sang các loại cây trồng thích nghi hạn mặn và dễ tìm thị trường tiêu thụ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bố trí lại mùa vụ sản xuất thích hợp cụ thể cho từng huyện với từng tiểu vùng sinh thái để tránh mặn.

Đình Cảnh

 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 967
  • Tất cả: 3758276
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner