Cầu Ngang: Phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm hàng hóa
Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện Cầu Ngang đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị, được thị trường chấp nhận như: bánh tét, tôm khô,… nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến hết tháng 4/2022, huyện Cầu Ngang có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP và 21 sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu. Trong lộ trình thực hiện chương trình, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong huyện luôn xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng để thúc đẩy toàn diện trong phát triển, sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Tôm khô Sáu Hường là sản phẩm OCOP và phát triển nhãn hiệu năm 2022

Tham gia hoạt động hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm hàng hóa

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm đạt OCOP của huyện còn ít, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, sản phẩm cũng còn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác, có khả năng cạnh tranh cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngày 05/5/2022, Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện Cầu Ngang năm 2022.

Các sản phẩm công nghiệp, nông thôn - OCOP của huyện Cầu Ngang trưng bày tại hội chợ triển lãm

Với việc xác định các nội dung, chỉ tiêu cụ thể như: Phát triển 05 nhãn hiệu, 13 sản phẩm OCOP, 01 truy xuất nguồn gốc và 01 chỉ dẫn địa lý, huyện đã đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện gồm: xây dựng, củng cố, nâng cấp các sản phẩm tham gia OCOP, trong đó chú trọng hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm; nâng cao năng lực và tái cơ cấu về tổ chức, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại của các đơn vị tham gia chương trình; nâng cao năng lực quản lý thực hiện sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa từ huyện đến xã; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia, tăng cường phối hợp công tác quảng bá, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trong huyện, tỉnh và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, để việc phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện Cầu Ngang năm 2022 có hiệu quả, huyện đã đề ra 05 giải pháp thực hiện là:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về sự cần thiết, hiệu quả của Chương trình OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện.

Hai là, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách có liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Chương trình OCOP theo nội dung Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh để thực hiện, phát triển ý tưởng sản phẩm, quản lý sản xuất, quảng bá sản phẩm.

Ba là, khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm tiêu biểu, ấn tượng, có giá trị gia tăng cao, nhất là việc ứng dụng công nghệ trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

Bốn là, rà soát, tuyên truyền vận động các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Năm là, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cá nhân có sản phẩm được tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại.

Hy vọng rằng, trước những kết quả đã đạt được trong những năm qua qua và với những chính sách kịp thời của nhà nước cùng với những quyết tâm cao độ của các địa phương, các doanh nghiệp sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

Huỳnh Nga

 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 66
  • Trong tuần: 918
  • Tất cả: 3758227
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner