Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác trồng bắp giống
0:00 / 0:00
Hiện toàn tỉnh có 1.655 tổ hợp tác hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng vai trò cầu nối tập hợp, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy những mô hình sản xuất của tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả nhưng chưa bền vững, do giá bán nông sản không ổn định, nên nông dân giảm lợi nhuận. 

Mô hình trồng bắp giống được nông dân 02 xã Long Sơn và Nhị Trường, huyện Cầu Ngang thực hiện được đánh giá mô hình tổ hợp tác hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, xóa đói giảm nghèo trong vùng nông thôn. Mô hình trồng bắp giống được trồng luân canh trên đất lúa hơn 20 năm qua mang tính bền vững cao, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương là nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần trở lên so với trồng lúa trước đó. Sản phẩm bắp giống của huyện Cầu Ngang hiện có 02 đơn vị liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu là Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam. 

Năm 2024, toàn huyện xuống giống hơn 54ha, trong đó xã Long Sơn trồng 21ha tập trung ở ấp Huyền Đức và Sóc Mới. Ông Trần Minh Vĩnh, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng bắp giống ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: hiện tổ hợp tác trồng bắp giống của ấp có 17 thành viên tham gia trồng 10ha. Tổ hợp tác hoạt động được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm với giá trong năm 2024 từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mô hình tổ hợp tác trồng bắp giống trên địa bàn đã liên kết với nhau từ lâu trong sản xuất, cải thiện đầu ra. Các thành viên tham gia tổ hợp tác được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ về chi phí đầu vào và đầu ra. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc liên kết với nhau theo mô hình chuỗi liên kết, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu hiện nay. Vì thế, mô hình này cần được duy trì và nhân rộng để ngày càng phát huy hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, cải thiện đời sống trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nông dân Nguyễn Văn Vũ, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: với 0,6ha đất canh tác hàng năm ông sản xuất 02 vụ màu - 01 vụ lúa, lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Những năm trước, ông tập trung sản xuất 02 vụ dưa hấu, hai năm gần đây chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, giá bán nông sản biến động không ngừng nên vụ đông - xuân năm nay ông tham gia vào tổ hợp tác trồng bắp giống trên diện tích 0,6ha nhằm vừa được hỗ trợ giống, chi phí sản xuất ban đầu vừa cải thiện đầu ra sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao. Với 0,6ha bắp giống, sản lượng đạt 5,4 - 06 tấn, giá bán 15.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 50 - 60 triệu đồng.

Nông dân Huỳnh Ni, ngụ cùng ấp đã tham gia vào tổ hợp tác trồng bắp giống 02 - 03 năm nay, thu nhập nâng cao đáng kể so với những cây trồng khác nhờ đảm bảo đầu vào và đầu ra. Ông Ni cho biết: trước đây, với 0,3ha đất lúa trũng thấp nên hàng năm trồng 02 vụ đậu phộng, dưa hấu - 01 vụ lúa. Những năm gần đây, giá đậu phộng, dưa hấu biến động không ngừng và giảm sâu vào thời điểm thu hoạch đông ken, giảm lợi trong khi chi phí thuê nhân công thu hoạch tăng cao. Đối với những vùng đất canh tác thấp của gia đình, thường xuyên xuống giống đậu phộng vụ đông - xuân trễ hơn so với những hộ có đất gò cao, nên giá bán không cao. Từ đó ông tham gia vào tổ hợp tác trồng bắp giống được bao tiêu sản phẩm, cải thiện đầu ra mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt là giá bắp giống năm nay tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm trước, nên 0,3ha bắp giống vụ đông - xuân 2024, sản lượng đạt gần 03 tấn, lợi nhuận trên 25 triệu đồng.

Theo đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang: Cầu Ngang là huyện nông nghiệp với diện tích 26.673ha, trong đó có nhiều diện tích đất giồng cát và đất thịt pha cát, trồng lúa kém hiệu quả do không đủ nước tưới vào mùa khô nên năng suất thấp. Để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, những năm qua, các địa phương trong huyện đã tích cực vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng, vật nuôi khác. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản. Năm nay tuy hạn, mặn đến sớm và cao hơn mọi năm, nhưng nhờ địa phương được tiếp nước ngọt từ Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 nên nước trong nội đồng luôn đảm bảo phục vụ các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng./.

Bài: Thanh Nguyên
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 1 046
  • Tất cả: 3770376
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email:caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner