Cầu Ngang: Tập trung bố trí mùa vụ mới
Nhằm khắc phục hậu quả do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi trong thời gian qua, huyện Cầu Ngang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương các giải pháp phù hợp trong tình hình mới, trong đó phát huy lợi thế, tiềm năng để bố trí mùa vụ mới nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ao tôm của nông dân Nguyễn Thanh Hoàng (trái) chuẩn bị thu hoạch

Bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo kế hoạch năm 2022, huyện bố trí xuống giống 22.723ha lúa; 17.890ha màu các loại; 9.110ha nuôi thủy sản. Đối với cây lúa, huyện bố trí lại cơ cấu mùa vụ, sản xuất 02 vụ trong năm, vụ hè - thu và thu đông - mùa; tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật; mở rộng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các xã trên địa bàn huyện; tập trung triển khai thực hiện chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ trồng lúa và hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, lúa sạch, lúa hữu cơ gắn với đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,... 
Đối với cây màu, sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ; xây dựng các mô hình, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn. Đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích cây màu đối với các vùng chuyên canh màu tập trung ở các xã: Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Vinh Kim, Mỹ Hòa, , Hiệp Hòa, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn… hướng bố trí trên đất triền giồng và dưới chân ruộng, chủ yếu cây dưa hấu, bí đỏ, cây đậu phộng, ớt chỉ thiên…Về chăn nuôi, tổ chức lại chăn nuôi theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: nuôi bò vỗ béo, mô hình nâng cao năng suất chất lượng bò thịt sử dụng tinh phân ly giới tính (đực) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khuyến cáo người nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, xử lý ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh tái đàn vật nuôi; sử dụng con giống có chất lượng để nâng cao năng suất.Nuôi thủy sản, tổ chức liên kết sản xuất đối với các con nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng… đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả hiện nay như: mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Khuyến khích đa dạng hóa chủng loại, các đối tượng nuôi nước mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao; chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghiệp, nuôi thâm canh mật độ cao trên ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nông dân Thạch Sô Phia chăm sóc khổ qua

Mặc dù năm 2021 bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã làm giảm lợi nhuận của người dân, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong huyện vẫn duy trì khá. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2021 đạt 25.507ha, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha, sản lượng 142.841 tấn, đạt 106,9% kế hoạch. Cây màu từng bước chuyển đổi phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương, với diện tích trong năm xuống giống đạt 18.386ha, đạt 102,7% kế hoạch. Thủy sản phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng và khai thác, mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao được mở rộng, tăng về diện tích và sản lượng, các mô hình nuôi cá luân canh hoặc kết hợp với nuôi tôm ngày càng phát triển. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch 68.330 tấn, đạt 100,55% kế hoạch, giảm 1.049,4 tấn so với cùng kỳ. 

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến giá nông, thủy sản trong những tháng đầu năm giảm mạnh, nên nông dân Nguyễn Thanh Hoàng, ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang bị thua lỗ trên 100 triệu đồng. Ông Hoàng cho biết: với 2,2ha đất nuôi thủy sản, ông thiết kế 07 ao, trong đó ông nuôi 05 ao tôm sú, tôm càng, tôm thẻ chân trắng. 02 vụ nuôi đầu do giá tôm giảm mạnh nên bị lỗ, đến vụ nuôi kế tiếp, ông thả nuôi 02 ao tôm sú, 02 ao tôm thẻ chân trắng, mỗi ao ông thả nuôi từ 150.000 - 200.000 con giống. Vừa rồi ông thu hoạch sản lượng đạt 05 tấn, giá bán 180.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Kết thúc vụ nuôi này, chờ thời tiết thuận lợi và môi trường nước ổn định ông tiếp tục xử lý ao hồ chuẩn bị thả nuôi vụ mới. 

Tuy giá nông sản thực phẩm biến động thất thường do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nông dân Thạch Sô Phia, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa vẫn duy trì sản xuất xoay vòng 03 vụ/năm trên diện tích 1.500m2 đất. Theo ông Phia, với diện tích trên, hàng năm ông trồng chủ yếu rau củ qua như khổ qua, bí đao, bí đỏ, lợi nhuận bình quân 08 triệu đồng/1.000m2. Trồng màu thực phẩm tuy cực công chăm sóc, nhưng ít nhiều nông dân vẫn đạt lợi nhuận. Do điều kiện gia đình ít đất sản xuất, hộ cận nghèo nên ông chọn những cây trồng thực phẩm ngắn ngày để xoay vòng nhiều đợt màu trong năm, tăng thu nhập. Hiện nay ông đã và đang trồng 1.500m2 khổ qua, bí đao và cải xà lách, cải ngọt phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán. Với ông Phia, vào dịp tết Nguyên đán, khổ qua luôn được người dân ưu chuộng. Không chỉ vậy, so với rau ăn lá, khổ qua thời gian thu hoạch kéo dài từ 20 - 30 ngày. Vì thế, vụ màu tết này ông trồng 1.000m2 khổ qua với hy vọng bán được giá cao vào dịp cuối năm, diện tích còn lại ông trồng rau ăn lá và bí đao. 

Theo bà Trần Thị Kim Chung, phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông, ngư nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất, bù đắp lại thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản; hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên bò… để hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

Thanh Nguyên
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 99
  • Trong tuần: 951
  • Tất cả: 3758260
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner