Hạn, mặn xâm nhập: Người nuôi tôm phải “kiên nhẫn chờ thời”
Hiện nay thời tiết nắng nóng, tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, môi trường nước không ổn định dẫn đến tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, giá tôm biến động không ngừng do ảnh hưởng dịch Covid - 19, nên người dân hạn chế thả nuôi, phải kiên nhẫn chờ thời tiết mưa thuận gió hòa nhằm hạn chế rủi ro.

Đầm tôm đang chờ thời của nông dân Nguyễn Thanh Châu

Về xã Mỹ Long Nam là địa phương chuyển dịch cơ cấu mạnh nghề nuôi tôm từ năm 2005 đến nay. Từ phong trào này đã giúp nhiều nông dân vươn lên trở thành hộ khá giàu. 03 năm gần đây, các hộ nông dân có điều kiện mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm siêu thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân Lâm Ngọc Ấn, ấp Nhì hộ nuôi tôm thâm canh có kinh nghiệm nhiều năm cho biết: Khoảng 05 năm trước, có thể nói con tôm vừa là ân nhân vừa là đề tài gây nhiều tranh cãi. Nuôi tôm gặp thời mau làm giàu lắm nhưng đêm ngủ không ngon giấc bởi vốn đầu tư cao, khi tôm nuôi được 02 - 03 tháng tuổi trở lên người nuôi thấy an tâm lúc này tôm có khả năng thu hồi vốn. Tuy nhiên những năm gần đây nuôi tôm gặp nhiều khó khăn hơn do nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, môi trường nước, chất lượng con giống,… Mặt khác một số nông dân vì lợi nhuận nên đã “xé rào” thả nuôi không tuân thủ lịch thời vụ dẫn đến tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh, thiệt hại sớm, môi trường nước ô nhiễm. Người nuôi tôm siêu thâm canh đầu tư tiền tỷ để đầu tư ban đầu, tỷ lệ thành công cao nhưng chưa chắc đã có lợi nhuận nhiều. Như năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, giá tôm liên tục sụt giảm mạnh, có thời điểm giá tôm xuống rất thấp, người nuôi tôm cầm cự chờ giá hoặc phải bán tôm mà lợi nhuận thu về chẳng là bao, thậm chí phá huề. 

Với ông Ấn, 02 năm gần đây tình hình nuôi tôm ngày càng khó khăn, nên ông đầu tư nhỏ lẻ thả nuôi 02 vụ/năm trên diện tích 0,24ha mặt nước, lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng/năm. Riêng vụ nuôi năm 2019 - 2020, cũng với diện tích trên, ông tách thành 02 ao, 01 ao thả nuôi 30.000 con tôm sú, còn ao kia thả nuôi 50.000 con tôm thẻ chân trắng. Với điều kiện môi trường đất và nước ổn định nên ông thả nuôi sớm, sau 03 tháng nuôi ông thu lợi nhuận 150 triệu đồng. Theo ông Ấn, vùng đất ở đây quanh năm mặn, lợ, nông dân như chúng tôi có đất, có ao không nuôi tôm lấy gì sinh sống. Chính vì thế, sau khi cải tạo, xử lý ao hồ xong, ông tiếp tục thả nuôi 30.000 con tôm sú gặp thời tiết bất lợi, hạn, mặn xâm nhập dẫn đến tôm nuôi bị bệnh gan tụy chết sớm khi mới hơn 01 tháng, lỗ 10 triệu đồng. Hiện nay giá tôm sụt giảm mạnh nên ông ngưng xuống giống, bởi nuôi tôm trong giai đoạn này dù tôm có thành công cũng chỉ huề vốn. Cụ thể giá tôm sú loại 30 con dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg khoảng 80.000 đồng/kg. Điều đặc biệt hiện nay là thương lái không ưa chuộng thu mua tôm loại lớn, mà chỉ thu mua tôm nhỏ loại 50 - 70 con/kg tôm sú và loại từ 100 con/kg trở lên đối với tôm thẻ chân trắng, bởi thu mua tôm cỡ nhỏ và cỡ trung bình dễ tiêu thụ hơn tôm cỡ lớn.

Không may mắn như ông Ấn, vụ tôm nuôi vừa qua ông Nguyễn Thanh Châu, ngụ cùng ấp thất trắng, ông tâm sự: Nuôi tôm năm ăn năm thua, nhưng tình hình hiện nay thua nhiều hơn thắng. Chưa năm nào như năm nay giá tôm giảm mạnh, dịch bệnh nhiều, hạn, mặn lên cao. Sau lần thất mùa này, lỗ nặng, giờ ông hết dám thả giống, mua thức ăn vì cứ nuôi hơn 01 tháng tôm bị chết. Do đó, thời điểm này được địa phương hỗ trợ Chlorine, ông xử lý 04 ao nuôi chờ thời điểm thích hợp mưa xuống hoặc hạn, mặn giảm dần, ông mới thả giống nuôi tiếp. Rút kinh nghiệm từ những lần thất mùa, ông Châu cho biết thêm: Nuôi tôm nếu được mùa được giá, nông dân thu lợi nhuận cao, phất lên làm giàu nhanh. Tuy nhiên, cũng từ nghề nuôi tôm đã đưa đẩy nhiều hộ giàu lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chính vì thế, nuôi tôm phải có tính “kiên nhẫn chờ thời” nếu chưa hội đủ các điều kiện không nên thả nuôi, nếu hấp tấp thả nuôi vì lợi nhuận trước mắt sẽ dễ dẫn đến rủi ro. Với ông Châu, mặc dù vụ tôm nuôi vừa qua lỗ nặng nhưng nhờ ông linh hoạt trong việc kinh doanh “tay trong tay ngoài” nên đỡ vất vả. Nếu không có vốn luân chuyển trong ngoài, mà chỉ trông chờ vào con tôm, thì ông sẽ không đủ khả năng tái đầu tư vụ mới. 

Ông Nguyễn Văn Gô, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho biết: Vụ nuôi thủy sản năm 2020 của xã gặp nhiều khó khăn, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại chiếm gần 46,2% so với diện tích thả nuôi, với 251/550 lượt hộ nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân tôm nuôi bị thiệt hại do hạn, mặn lên cao cộng với thời tiết nắng nóng, nên tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh đốm trắng, gan tụy. Mặc dù diện tích thả nuôi bị thiệt hại gần 50% nhưng trong xã có khoảng 97 hộ nuôi đạt lợi nhuận từ 10 - 500 triệu đồng, trong đó có 07 hộ nuôi tôm siêu thâm canh đạt lợi nhuận từ 100 - 500 triệu đồng. Để hạn chế tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại, đạt sản lượng theo kế hoạch năm 2020, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiếp tục khảo sát thiệt hại trên tôm đề nghị về trên hỗ trợ, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với những hộ sên bùn thải ra môi trường bên ngoài. Phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông vận hành các cống đầu mối nhằm chủ động nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất, nhất là khu vực nuôi tôm.

Có thể nói, Cầu Ngang là huyện có thế mạnh về con nuôi thủy sản khá lớn của tỉnh với diện tích hàng năm trên 6.000ha tập trung ở những vùng mặn, lợ, nhiều nhất khu vực cánh đồng Tây của xã Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam. Đến nay, huyện có 5.440 hộ thả 875,6 triệu con trên 2.300ha mặt nước. Qua đó, có 1.477 hộ thả nuôi bị thiệt hại 200 triệu con tôm giống, trong này có 626 hộ nuôi bị thiệt hại hoàn toàn không thu sản lượng. Tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng thu được 3.700 tấn. Vụ nuôi thủy sản năm 2020 là năm gặp nhiều khó khăn, để giúp người nuôi tôm hạn chế thiệt hại ở những vụ nuôi tiếp theo, đồng thời giảm chi phí đầu tư, được trên hỗ trợ, huyện đã cấp 35 tấn Chlorine hỗ trợ 300 hộ nuôi tôm bị thiệt hại xử lý ao nuôi. Ngoài ra, huyện tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, đảm bảo nhu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất. Ưu tiên phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời, bố trí nuôi ở từng khu vực có điều kiện, từng bước có kế hoạch quy hoạch bờ vùng, bờ thửa cho tiểu vùng 3 khu vực tuyến Vĩnh Bình - Mỹ Cẩm của 05 xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Đông.

Mỹ Nhân

 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 99
  • Trong tuần: 951
  • Tất cả: 3758260
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner