Tổ chức tốt sinh hoạt chuyên đề: Giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh
Thời gian qua, Đảng bộ huyện Cầu Ngang thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai sinh hoạt chuyên đề, xem đó là một tiêu chí để đánh giá tổ chức đảng hàng năm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những mặt hạn chế trong tổ chức thực hiện.

Buổi sinh hoạt lệ chi bộ ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa

Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí trong ban thường vụ, trong cấp ủy và đồng chí lãnh đạo ở các phòng, ban, ngành đoàn thể phụ trách cơ sở, đi dự sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc. Chi uỷ, chi bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tốt việc sinh hoạt chuyên đề nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, đảng viên. Nội dung các chuyên đề tập trung vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát triển kinh tế, giảm nghèo; xây dựng cơ quan văn hoá, ấp, khóm văn hoá, nông thôn mới; giải quyết khiếu nại, tố cáo; sinh hoạt chuyên môn…, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ cho đảng viên, tạo được sự phong phú, hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo và hướng dẫn 100% các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ cơ sở và đảng viên. Qua sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên bước đầu đã làm quen với những nội dung mang tính chuyên sâu, nâng cao khả năng, trình độ cho cán bộ cấp uỷ, đảng viên.

Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Qua kiểm tra tổ chức cơ sở đảng hàng năm, nhiều chi bộ chưa tổ chức thường xuyên việc sinh hoạt chuyên đề; lúng túng trong việc chọn nội dung chuyên đề cũng như điều hành sinh hoạt chuyên đề; một số chi bộ có tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhưng không tổ chức buổi riêng mà lồng ghép cùng với sinh hoạt định kỳ hằng tháng nên không đủ thời gian cho đảng viên trong chi bộ trao đổi, thảo luận; nội dung chuyên đề chuẩn bị còn sơ sài, chưa đạt yêu cầu; việc tham gia ý kiến của các đảng viên trong sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều…

Những hạn chế trên một phần do cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng đắn về sinh hoạt chuyên đề, chưa có sự đầu tư nội dung sinh hoạt chuyên đề, cũng như lựa chọn, phân công chi ủy viên, đảng viên có trình độ, năng lực và hiểu biết các vấn đề trong lĩnh vực lãnh đạo của chi bộ để chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, vai trò của Bí thư chi bộ chưa được phát huy đúng mức, đặc biệt là trong việc điều hành, nên đảng viên chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Do vậy, để tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, theo đồng chí Lâm Quang Hòa, Phó trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện, các cấp ủy, chi bộ, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cấp ủy, chi bộ cần nhận thức tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề, qua đó có sự quan tâm chỉ đạo để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Hai là, cần xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ theo quy định, mỗi quý, ít nhất một lần, chi bộ cần tổ chức một buổi riêng để sinh hoạt chuyên đề và lựa chọn một số nội dung cần thiết xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo của chi bộ trong từng thời gian và phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng làm chủ đề sinh hoạt chuyên đề.

Ba là, việc chuẩn bị chuyên đề. Chi ủy phân công những đảng viên có khả năng, trình độ nghiên cứu đề xuất tên chuyên đề sinh hoạt phù hợp trên cơ sở các nội dung chính của sinh hoạt chi bộ: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giải pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; biện pháp củng cố, khắc phục những mặt còn yếu kém; các giải pháp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; việc xây dựng ấp, khóm văn hóa; biện pháp giúp đỡ đảng viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn phát triển đảng viên; công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên; chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Chi ủy căn cứ vào nội dung, yêu cầu công tác của chi bộ, họp bàn thống nhất nội dung sinh hoạt chuyên đề cụ thể cho phù hợp yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong từng thời gian, sau đó phân công chi uỷ viên hoặc đảng viên chuẩn bị nội dung chuyên đề và yêu cầu thời gian hoàn thành báo cáo chi ủy. Chi uỷ viên hay đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chuyên đề nghiên cứu kỹ chuyên đề, sưu tầm, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan; xây dựng dự thảo, báo cáo trước chi ủy, chi ủy thảo luận tham gia, góp ý; sau đó đảng viên tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của chi ủy.

Bốn là, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề. Chi uỷ thông báo trước chuyên đề, thời gian sinh hoạt và cung cấp bản dự thảo cho đảng viên để nghiên cứu trước, chủ động chuẩn bị để tham gia đóng góp ý kiến trong cuộc họp; người được phân công chuẩn bị trình bày báo cáo trước chi bộ, sau đó đồng chí Bí thư chi bộ chủ trì thảo luận; các đảng viên trong chi bộ cùng tham gia góp ý, xây dựng, đề xuất giải pháp và kết luận buổi sinh hoạt. Tổ chức như vậy, chi uỷ hoặc đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì thảo luận sẽ nâng cao trình độ và khả năng chủ trì, diễn thuyết, điều hành hội nghị. Việc chủ động tìm đọc các tài liệu liên quan và tham gia thảo luận sẽ hình thành nhận thức mới cho đảng viên, góp phần nâng cao trình độ của đảng viên và tính hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ.

Năm là, sau buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên được phân công chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên, hoàn chỉnh chuyên đề báo cáo chi ủy. Chi ủy họp rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để buổi sau tổ chức được tốt hơn. Đồng thời tham gia để hoàn chỉnh chuyên đề, thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, có thể rút ra nghị quyết của chi bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Có như vậy, sinh hoạt chuyên đề mới thật sự hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn đảng bộ.

Phú Lũy
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 915
  • Tất cả: 3758224
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner